1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

"Chuyện nhà Mộc" ngày ấy và bây giờ

Đã 9 năm qua nhưng “Chuyện nhà Mộc” vẫn luôn được khán giả đón nhận khi có bộ phim hài lại đề cập đến vấn đề tiêu cực trong việc luyện thi đại học đã cuốn những học sinh tỉnh lẻ và cả gia đình trong cuộc chạy đua đầy bi hài để vào đại học… Qua “Dấu ấn phim truyền hình” hãy cùng chúng tôi gặp lại những người trong cuộc để nghe họ hồi tưởng về tác phẩm ấy!

NSƯT Trần Lực: “Tôi đã định làm một series về chuyện nhà Mộc, nhưng…”

“Đóng phim thì nghiêm trang, làm phim thì hài hước, ấy là tôi muốn cho mọi người biết Trần Lực cũng rất thích đùa…” đó là giải thích của anh. "Chuyện nhà Mộc" là một mở đầu đầy bất ngờ cho một loạt bộ phim hài nối tiếp sau của anh như: "Hai Bình làm thuỷ điện", "Tết này ai đến xông nhà"…

Anh còn nhớ kịch bản phim "Chuyện nhà Mộc" đến với anh như thế nào không?

NSƯT Trần Lực: Tôi đã cùng Đỗ Trí Hùng sửa lại một chút kịch bản như lược bỏ những đoạn mang tính chính luận, thêm thắt những chi tiết hài hước. Cũng may, hai chúng tôi là bạn nên cũng dễ hiểu nhau. Kịch bản được sửa tại  nhà tôi. Hùng ngồi bên kia gõ máy chữ còn tôi ngồi bên này vừa hút thuốc vừa đọc lại kịch bản. Có chỗ hai đứa đột nhiên dừng lại, cùng cười tấm tắc và gật gù… nên phát triển đoạn này!

9 năm đã qua ấn tượng của anh về bộ phim có gì thay đổi không?

NSƯT Trần Lực: Tôi vẫn nhớ VTV phát sóng bộ phim đúng dịp World Cup 98. Cũng đã gần chục năm rồi nhưng vẫn thấy mới mẻ như những ngày đầu! Ngay lúc đầu tôi cũng không xem, nói thật là không dám xem vì đợi phản ứng của mọi người như thế nào? Chỉ thấy vui vui khi thấy hàng xóm cười phá lên trong giờ nghỉ giải lao xem bóng đá…

Chuẩn bị cho một bộ phim hài như "Chuyện nhà Mộc" có lâu lắm không?

NSƯT Trần Lực: Cả đoàn lúc đó “sung” lắm. Chỉ 7 – 8 ngày là quay xong một tập. Nhưng tôi cũng phải chuẩn bị rất lâu để tìm diễn viên. Chọn vai ông Mộc là chuyện khó khăn nhất. Tôi không câu nệ phải tìm diễn viên nổi tiếng hay có ngoại hình đẹp. Cái chính là người đó phải có cảm hứng và sáng tạo.

Và cả chuyện học kinh nghiệm sống?

NSƯT Trần Lực: Tôi đã lang thang đến các lò luyện thi, nhà trọ trong khu Phùng Khoang (Trung văn, Từ Liêm). Cũng may, thời gian đó đúng vào mùa thi nên học hỏi được rất nhiều. Chỉ dăm ba câu chuyện cũng thấy gần gũi thân quen. Sau mùa thi chúng tôi mới bắt đầu quay!

Ngày ấy tại sao anh không chọn cái kết mở?

NSƯT Trần Lực: Đối với một bộ phim hài thì cái kết có hậu vẫn luôn được khán giả mong chờ. Gần gũi và đời thường chính là quan niệm của tôi khi đọc kịch bản…

Đến bây giờ anh có nghĩ mình có đủ sức làm "Chuyện nhà Mộc" dài hơn 2 tập không?

NSƯT Trần Lực: Nói chung là hài lòng. Nhưng cũng không hài lòng một số tiểu tiết của phim như một số câu thoại của diễn viên, việc xử lý diễn xuất trong một số cảnh.

Cảnh quay mà anh thấy thú vị nhất là?

NSƯT Trần Lực: Cảnh ông Mộc hồn nhiên trả lời phỏng vấn, cả nhà ông Mộc xem TV. Cảnh bà Mộc nói: “Ở nhà thì cứ nói phét lên TV thì mặt cứ đuỗn ra”. Còn các em của Mai thì cổ vũ: “Bố ơi cố lên” như là xem bóng đá. Ngay sau đó là hình ảnh Mai khóc mếu máo vì không làm được bài và anh chồng hụt của Mai (do Xuân Bắc đóng) thì nhảy cẫng lên vui sướng… Chỉ trong một đoạn phim rất ngắn mà tôi chú ý lồng vào đó hàng loạt các xung đột tình cảm khác nhau…

Hình như bộ phim thành công là do anh luôn có duyên ngầm hài hước?

NSƯT Trần Lực: (Cười) Nhiều người cũng nói về tôi như thế! Đóng phim thì nghiêm trang, làm phim thì hài hước, ấy là  tôi muốn cho mọi người biết Trần Lực cũng rất thích đùa. Tôi không cố ý, mà hình như có duyên ngầm hài hước hay sao ấy chứ, bởi những bộ phim hài của tôi như "Hai Bình làm thuỷ điện", "Chuyện nhà Mộc" trên kịch bản gốc thì chẳng hài chút nào. Tôi sẽ còn làm phim hài nhưng hình như chẳng ai mời tôi làm phim hài ấy nhỉ?

Xin cảm ơn và chúc anh thành công!

9 năm trước…

Dường như quá ăn nhập với vai anh bộ đội (trong Hoa ban đỏ, Người đi tìm dĩ vãng...), Trần Lực làm phim Chuyện nhà Mộc khi chịu rất nhiều áp lực. “Khi bạn bắt đầu vào một vai diễn mới hay làm một bộ phim mới cũng có áp lực, dù tính chất của chúng rất khác nhau. Cốt chuyện về thi cử hay những mâu thuẫn trong xung đột của các đôi vợ chồng trẻ thì báo chí đề cập nhiều rồi. Ngay cả kịch bản cũng làm sao cần phải thoát khỏi tính chính luận của nó.

Vì thế anh đã chọn thể loại phim hài bởi thể loại này dễ làm khán giả dung động, đồng cảm với số phận nhân vật mà vẫn đạt được mục đích. Chuyện nhà Mộc còn đoạt luôn giải thưởng "Cù nèo vàng" của báo Tuổi Trẻ Cười… Những câu chuyện nhẩn nha, điềm đạm, hóm hỉnh cứ tự nhiên như thế mà đi vào lòng người. Trần Lực cười đấy nhưng mà ra nước mắt!

Bây giờ

Thỉnh thoảng vẫn có người nhắc đến phim Chuyện nhà Mộc, anh cũng thấy vui vui: “Cuộc đời quý giá nhất ở những khoảnh khắc như thế đấy và tôi rất trân trọng nó". "Dự định thì nhiều nhưng anh cười đùa”. “Lại sự nói trước bước không qua”. Đó cũng là điều dễ hiểu ở một người chín chắn như anh! Cũng giống như người nghệ sĩ luôn có những phút sáng tạo đầy ngẫu hứng nhưng từng cảnh quay vẫn luôn phải tính toán kỹ để đạt đươc hiệu quả.

Những ngày nghỉ, thú vui của anh là chơi tennis để giải toả căng thẳng. Khi nhăm nhăm vào quả bóng thì có thể quên đi hết mọi chuyện. Sáng sáng anh vẫn nhâm nhi ly cà phê và ít ai biết được Trần Lực vẫn uống cà phê trả tiền theo tháng!

NSƯT Hải Điệp: “Tôi tưởng điện ảnh thế nào?”

Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật chèo nhưng NSƯT Hải Điệp lại được khán giả nhớ nhất với phim Chuyện nhà Mộc. “Ông Mộc” tâm sự: “người diễn viên phải đi tìm vai diễn suốt cả cuộc đời, chỉ để cho khán giả, đôi khi, nhớ đến họ … một lần thôi!”

Bác nhận vai ông Mộc là do tình cờ?

NSƯT Hải Điệp: Đó chính là vai ấn tượng nhất của tôi cho đến nay. Cũng may mắn khi đạo diễn Trần Lực đang băn khoăn tìm người cho vai Mộc thì tôi được ông Trần Bảng, Giám đốc nhà hát chèo giới thiệu.

Đó là vai để đời của bác?

NSƯT Hải Điệp: Đúng vậy! ngày đó, tôi là một diễn viên chèo, chưa tham gia đóng phim bao giờ nên lúc thử vai vẫn còn “chèo” lắm. Đạo diễn Trần Lực đã dành nhiều thời gian để giải thích cho tôi điện ảnh khác chèo như thế nào, đóng phim là phải thật như thế này. Sau đó không nhớ tôi đã diễn “bật” lên như thế nào mà Trần Lực cứ chăm chú nhìn tôi và nói “Bác cứ như thế mà diễn”. Và tôi đã bật cười: “Tưởng điện ảnh thế nào chứ như thế này thì dễ quá…”

Cảnh phim nào "đánh” đúng tâm trạng của bác?

NSƯT Hải Điệp: Chuyện ông Mộc dẫn con gái là Mai ra thành phố học thi. Ở trọ chỗ nào, mua sách luyện thi ở đâu, chọn lớp luyện thi nào để học trong khi đâu đâu cũng là những tờ quảng cáo “luyện thi cấp tốc”, “đảm bảo đỗ 100%, “không đỗ không lấy tiền…”. Rồi chuyện cho con ăn cái gì để có sức mà học? Đón con về như thế nào?

Trong lúc ngồi chờ con đi học, các ông bố bà mẹ chuyện vãn gì với nhau? Tôi nghĩ bé thế thôi, vặt thế thôi mà biết bao nhiêu là chuyện và chuyện nào cũng thật buồn cười…

9 năm qua, dường như các nhân vật điện ảnh khác của bác chưa vượt qua cái bóng của ông Mộc? Hay bác chưa có thời gian chau chuốt cho các vai diễn đó?

NSƯT Hải Điệp: Quả thực, những vai diễn đó tôi chưa hài lòng, một phần vì nhân vật ít “đất” diễn, một phần vì không có nhiều thời gian để chau chuốt cho vai diễn. Ví dụ như phim Hai Bình làm thuỷ điện, lúc đó tôi chỉ nhận đóng một vai phụ, đến lúc bấm máy, đạo diễn bàn lại, nhờ tôi đảm nhận vai chính, thành ra không có thời gian chuẩn bị.

Nếu bây giờ lại có lời mời vào vai hài trong điện ảnh, bác có nhận lời không?

NSƯT Hải Điệp: Tôi sẽ nhận lời nếu cảm thấy mình làm được.

Phải nhập vai trong cả chèo và điện ảnh, chắc hẳn bác đã không  gặp ít khó khăn?

NSƯT Hải Điệp: Mới đầu, tôi nói ngọng, phải kiên trì tập sửa mãi để làm nghề. Cứ đến bữa ăn, tôi viết những chữ mình thường nói ngọng ra bàn rồi úp bát lên chữ đó và tự vấn rằng đây là miếng cơm manh áo, là sự nghiệp cả cuộc đời mình, rồi nhẩm đi nhẩm lại và sửa cho bằng được. Các vai hề chèo (vai giễu) thường rất thâm thuý, cười mà đau, phải  ngẫm mới thấu. Còn các vai hài trong điện ảnh lại mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, đả kích những thói hư tật xấu, nên dễ hiểu, dễ xem. Với tôi, vào các vai hài trong điện ảnh cũng thuận lợi vì mình đã có sẵn tố chất của các vai hề chèo.

Và cả việc làm cộng tác viên minh họa cho chương trình “Ở nhà chủ nhật”?

NSƯT Hải Điệp: Không phải ai cũng có duyên để đóng được các tình huống đó. Làm sao bật được sự hóm hỉnh, cuốn hút “kẻ tung người hứng” trong những tình huống rất đời thường. Có người tìm đến nhà tôi để hỏi mẹo vặt và để… đăng ký dự thi đấy.

Các nhân vật khác nói gì?

Như Trang: “Mai cũng là một phần hình ảnh của tôi”

Ngày ấy, Như Trang (mới học ĐH năm thứ nhất) nhận vai Mai mà cứ thấy run run. Một phần vì đó là vai diễn đầu tiên, một phần Trang là người Hà Nội. Khó khăn nhưng nghĩ đó cũng là một lợi thế để Trang diễn một cách vô tư, hồn nhiên. Cũng may thời gian học ở trường đã giúp cô tiếp xúc với nhiều bạn bè ở các tỉnh khác.

Một gia đình nông thôn cố gắng dành dụm cho con ăn học nên người, một cô thôn nữ rời đồng ruộng ra chốn phồn hoa lập nghiệp, một gia đình nhỏ trước những sóng gió của cuộc sống hiện đại ấy là câu chuyện của đại gia đình nhà ông Mộc. Khó nhất là lúc vào vai một người vợ, nhưng Trang cứ tự nhiên mà đóng và nghĩ: Vợ chồng cô Mai cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” không phải vì họ “tha hoa”, “buông thả”, chẳng phải vì chạy theo đồng tiền hay gì gì cả (như đường ray sẵn có của phim ảnh hiện nay?!), đơn giản vì họ chưa được chuẩn bị tâm lý để làm chồng, làm vợ.

Đến khi phim chiếu trên TV, Trang không được xem. Sáng hôm sau, tự nhiên đang đi ngoài đường có một người đàn ông dừng lại và nói: “Cháu cho chú bắt tay cái!”. Lúc đó cô bé cứ ngớ người chẳng hiểu gì cả. Đến khi chú ấy hỏi: “Có phải cháu đóng phim Chuyện nhà Mộc?”, Trang mới nhoẻn cười và tự nhiên thấy vui vui. Những cảm xúc đầu tiên ấy đến bây giờ vẫn chẳng quên được… Bây giờ, Như Trang làm việc ở Nhà hát Tuổi Trẻ và hạnh phúc với gia đình nhỏ (ông xã của cô làm du lịch) và sẵn sàng tham gia “săn” phim truyền hình với điều kiện có vai diễn phù hợp…

Chí Nghĩa: “Không ngại gì mời bố vợ đi hát karaoke”

Tham gia làm phim nhựa từ năm 11 tuổi, được giải thưởng của Hội diễn điện ảnh với vai chính trong phim Không giống ai, nhưng dường như Chí Nghĩa được khán giả nhớ nhất là vai “con rể ông Mộc”.

Ngoài đời, anh tâm sự sẽ không ngại chia sẻ với bố vợ, nhiều vấn đề chứ không chỉ có chuyện mời bố vợ đi hát karaoke. Không phải chạy theo nghề kiến trúc sư như ở trong phim, Chí Nghĩa đang bận bịu với vai trò giám đốc PR tại TP.HCM. Có khi 6 tháng anh mới ra Hà Nội một lần.

Anh vừa tốt nghiệp thủ khoa ĐH Sân khấu điện ảnh với phim 10 phút Tết vong nhân (Theo đánh giá của thầy Lê Đăng Thực, đó là phim thuần khiết điện ảnh). Có thời gian anh lại tranh thủ ra Hà Nội và thường mong có một ngày không bận rộn để đựơc từ tốn ăn bữa cơm cùng gia đình, gặp bạn bè thân từ hồi mẫu giáo và lòng vòng ở một góc phố quen thuộc.

Ca sĩ Khánh Linh: "Cô tấm ngày nay" vẫn hát.

“Em ra chốn đô thành, xa rời vòng tay mẹ ru, từ nay ra chốn phồn hoa lấp lánh cánh diều mơ ước hôm nào…” những ca từ và giai điệu của bài hát vẫn vang vang đâu đây. Phải chăng giai điệu rộn ràng và ca từ mượt mà của bài hát đã in vào tâm trí của khán giả đã từng xem phim?

Ngọc Châu: Có duyên với phim truyền hình của Trần Lực.

Với hai ca khúc "Cô tấm ngày nay" (Chuyện nhà Mộc) và "Quà tặng trái tim" (Tết này ai đến xông nhà), Ngọc Châu đã tự khẳng định mình trong lĩnh vực sáng tác nhạc phim. “Khi đưa kịch bản cho tôi, anh Lực chỉ nói rằng giá có bài hát nữa thì hay nhỉ. Sau khi xem “nháp” phim, tôi đã nảy ra ý tưởng vô giá bởi ca khúc viết cho phim mà sau đó lại có sức sống riêng”. Hiện nay, anh vẫn làm các chương trình âm nhạc cho VTV (Bài hát Việt, Trò chơi âm nhạc, Tuổi đời mênh mông)...

Theo Việt Hà
Thị Trường Tiêu Dùng