1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chơi đồ ngoại cắt “mác”

Giới ăn mặc sành điệu tại TPHCM thường đến những cửa hàng ruột của mình để tìm đồ độc, trong đó có những địa chỉ chuyên bán đồ ngoại... cắt “mác”. Đó là thời trang "xách tay" đáp ứng được tiêu chuẩn 3Đ (độc-đẹp-đắt), loại tiêu chuẩn mà những người có tiền và thích xài đồ ngoại đặt lên hàng đầu.

Cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 không có vẻ ngoài ồn ào như các cửa hàng quần áo thường thấy. Quan sát kỹ mới nhìn rõ vài ba ma-nơ-canh trưng diện những bộ đồ kiểu cách phía sau lớp cửa kính.

 

Thời trang... cắt “mác”

 

Bước vào cửa hàng, chúng tôi ngỡ ngàng vì một “rừng” quần áo được bày bán. Các bộ đồ gấp gọn gàng, xếp chồng lên nhau trên những giá đỡ và chất đống dưới sàn nhà. “Quần áo ở đây mỗi loại chỉ có duy nhất một chiếc, nếu treo lên hết thì không đủ chỗ, các chị cứ xem thoải mái”. Người bán hàng vừa nói vừa tận tình chọn những chiếc áo theo lời chị là mới nhất để cho khách xem. Theo đánh giá của người bạn thuộc giới chuyên săn đồ độc đi cùng tôi, hàng ở cửa hàng này quả là khó tìm thấy chiếc thứ hai, chất liệu xịn, kiểu dáng đa dạng và đẹp.

 

Nhưng điều gây ngạc nhiên nhất với chúng tôi là hầu hết quần áo được bày bán không có thương hiệu (trade mark) hay nói gọn là không có “mác”. Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, chị bán hàng giải thích: “Chị có thấy vết cắt này không, bọn em phải tháo chỉ và bỏ hết “mác” đi đấy, chị yên tâm đây là hàng ngoại xách tay thứ thiệt”. Nhìn kỹ, quả thực trên một số bộ đồ có đường chỉ tháo hoặc vết cắt ở cổ áo, đai quần... Dấu hiệu duy nhất để chứng tỏ hàng ngoại là miếng vải nhỏ màu trắng có in chữ Made in Hong Kong, Made in USA... đính phía trong một số chiếc.

 

Tiêu chuẩn 3Đ

 

Hỏi giá một chiếc áo thun màu đen cổ thuyền đơn giản, chị bán hàng cho biết đây là hàng xách tay từ Mỹ về, giá 550.000 đồng. Chiếc áo rẻ nhất chúng tôi hỏi có xuất xứ từ Hồng Kông được bán với giá 270.000 đồng và hoàn toàn không có chuyện mặc cả. Chị bán hàng “găm” thêm: “Đồ này mà còn “mác” thì không có giá thế đâu!”.

 

Trước băn khoăn của khách hàng về chuyện quần áo không có “mác” thì làm sao kiểm chứng được, liệu đấy có phải là hàng hiệu thật hay không, người bán hàng kiên trì giải thích: “Quan trọng là chất lượng hàng, nhãn mác thì khó gì, nếu chị cần thì có ngay!”. Với tay vào chiếc tủ kính, chị bán hàng lấy ra một loạt nhãn mác các kiểu ghi bằng đủ thứ ngôn ngữ Tây Tàu, bị tháo chỉ và cắt tả tơi: “Chị thích “mác” gì em đính vào cho”.

 

Người bán hàng còn cho biết thêm, dân ưa đồ ngoại đến cửa hàng này, nếu có hàng đẹp, sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua. Nhiều khách hàng còn nói rằng đồ cắt “mác” đáp ứng được tiêu chuẩn 3Đ (độc-đẹp-đắt), loại tiêu chuẩn mà những người có tiền và thích xài đồ ngoại đặt lên hàng đầu.

 

Vì sao cắt “mác”?

 

Cửa hàng quần áo thời trang P. trên đường Nguyễn Trãi, Q.1 gây sự chú ý bằng dòng quảng cáo “hàng mới về” to tướng. Quần áo được treo rất nhiều, đủ kiểu. Không những quần áo mà giày dép, nón, túi xách được bày la liệt. Khi biết chúng tôi có ý định mua đầm, người chủ cửa hàng tên H., niềm nở: “Hàng nóng đấy, mới về sáng nay, cơ hội hiếm có để em chọn những bộ ưng ý nhất”.

 

Vừa theo chân nhân viên bán hàng vào phòng thử đồ, tôi vừa tranh thủ hỏi chuyện và được biết, quần áo ở cửa hàng này được “xách tay” về qua đường hàng không, chủ yếu là từ Hồng Kông. Chủ cửa hàng này có những “mối” làm ăn ở nước ngoài, khoảng 10 ngày “bên đó” lại gửi hàng về qua người quen (hoặc ông chủ đích thân sang Hồng Kông để nhận). Để qua mặt được hải quan sân bay và trốn thuế, cách làm của họ là cắt “mác” toàn bộ quần áo. Được biết, mỗi lần hàng về chỉ chừng vài ba chục chiếc, có khi chỉ dăm bảy chiếc.

 

Tôi tỏ ra phân vân vì giá chiếc đầm vừa thử quá cao mà chất liệu và kiểu dáng không có gì đặc biệt, anh H. chủ cửa hàng nói: “Quần áo này ở nước ngoài tính bằng đô, về Việt Nam giá như thế là hợp lý rồi, đấy là chưa tính thuế, nếu không làm sao bọn anh trụ được”.

 

Riêng những người bỏ một khoản tiền lớn ra để chơi hàng cắt “mác” thì không khỏi băn khoăn với câu hỏi: Liệu đồ họ mua có thật là hàng ngoại và chất lượng như những lời nói ngọt ngào của các chủ cửa hiệu?

 

Theo Thùy Vinh

Người Lao Động