Các nhạc sĩ bức xúc đòi quyền lợi sau cuộc chiến “Ru tình”

(Dân trí) - Một đơn vị biểu diễn sẵn sàng trả cho ca sĩ Mỹ Tâm 80 triệu đồng/đêm diễn, trả cho cô ca sĩ 17 tuổi Văn Mai Hương 55 triệu đồng, vậy mà tác giả chẳng được xu nào từ tiền tác quyền. Tôi thấy quá bất công!”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bức xúc.

Việc các đơn vị tổ chức, ca sĩ có thể thu hàng chục, hàng trăm triệu đồng chỉ trong một đêm diễn, trong khi các tác giả âm nhạc bị “lờ” tiền tác quyền, hoặc nếu có cũng chỉ con số “bèo” (75.000 đ/tác phẩm) khiến cho các nhạc sĩ bấy lâu nay rất ấm ức. Bức xúc hơn khi số lượng lớn các chương trình biểu diễn nghệ thuật và ca sĩ mang tác phẩm của các nhạc sĩ đi biểu diễn mà không cần xin phép tác giả.
 
Các nhạc sĩ bức xúc đòi quyền lợi sau cuộc chiến “Ru tình” - 1
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa), Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chia sẻ nỗi bức xúc của các nhạc sĩ

Cuộc chiến đòi tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc đã diễn ra âm ỉ nhiều năm nay, nhưng phải đến vụ ồn ào bản quyền xung quanh hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn dịp 8/3 tới, các nhạc sĩ lão thành mới quyết tâm cùng ngồi lại với nhau, chính thức lên tiếng đòi quyền lợi.

Tại buổi tổng kết, báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) diễn ra ngày 16/2 tại Hà Nội, hơn 30 nhạc sĩ thuộc hàng tên tuổi, kỳ cựu của làng âm nhạc Việt Nam như Phạm Tuyên, Huy Thục, Trọng Bằng, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Tài Tuệ, Trương Ngọc Ninh... đã đồng loạt nói lên nỗi ấm ức, bức xúc bấy lâu nay.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói, ông biết rất rõ giá cát-xê của những ca sĩ hiện nay và từ đó thấy đau lòng thay cho các tác giả âm nhạc. “Một đơn vị biểu diễn sẵn sàng trả cho ca sĩ Mỹ Tâm 80 triệu đồng/đêm diễn, trả cho cô ca sĩ trẻ Văn Mai Hương mới 17 tuổi 55 triệu đồng cho 1- 2 đêm diễn. Trong khi đó các tác giả chẳng được xu nào từ tiền tác quyền, nếu có thì cũng là được vài chục nghìn cho một bài hát. Tôi thấy quá bất công”, tác giả của Biển khát thể hiện sự bức xúc.

Theo ông, tác giả là người sở hữu tác phẩm, lẽ ra phải được hưởng quyền lợi xứng đáng hơn thế. “Chúng tôi là những người làm sản phẩm, chúng tôi có quyền bán tác phẩm của mình theo giá mình muốn”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khẳng định. Ông dẫn chứng những năm 80, các nhạc sĩ đã từng ngồi lại với nhau để nâng giá tác phẩm của mình. Nhưng kể từ đó đến nay, giá đó vẫn… được giữ nguyên dù thị trường âm nhạc đã thay đổi rất nhiều!
 
Các nhạc sĩ bức xúc đòi quyền lợi sau cuộc chiến “Ru tình” - 2


Các nhạc sĩ bức xúc đòi quyền lợi sau cuộc chiến “Ru tình” - 3
Có thể nói vụ lình xình đêm nhạc Trịnh Công Sơn như "giọt nước làm tràn ly" khiến các nhạc sĩ lão thành phải ngồi lại cùng lên tiếng đòi quyền lợi về vấn đề bản quyền

Ủng hộ quan điểm của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Theo luật, ai sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ kinh doanh thì phải trả tiền. Tuy nhiên, thực tế thì luật này đang bị vi phạm nghiêm trọng. Hiện nay, tại các chương trình biểu diễn, “ông bầu” là người trả tiền cát –xê cho ca sĩ nhưng lại không chịu trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Chưa kể, các ca sĩ khi biểu diễn trong nước đã khó kiểm soát, đến khi mang tác phẩm đi chạy “sô” ở nước ngoài để kiếm hàng nghìn USD thì chẳng ai kiểm soát được để đòi tiền tác quyền”.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo còn bày tỏ rằng các nhạc sĩ hãy dũng cảm khi nói đến vấn đề bản quyền, đừng sự các ca sĩ hay bất kỳ tổ chức nào vì chính quyền lợi của mình.

Nhìn vào con số tổng kết của VCPMC, thì năm nay Trung tâm thu được 41,1 tỷ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong năm 2011, tăng 27% so với năm 2010. Tuy nhiên, đây lại là số tiền thu được chủ yếu ở lĩnh vực nhạc chuông điện thoại, website tải nhạc, các quán karaoke, phòng trà… Còn tiền thu được từ hoạt động biểu diễn nghệ thuật lại chưa đến 10%, còn lại 90% vẫn đang bị thất thoát.

Trước tình hình bản quyền tác phẩm âm nhạc đang bị vi phạm nghiêm trọng, các nhạc sĩ đã đưa ra các phương cách để gỡ rối, đòi lại sự công bằng.

Nhiều nhạc sĩ cho rằng, việc quản lý và yêu cầu các đơn vị phải trả tiền bản quyền có thể thực hiện dễ dàng chỉ cần, trong Nghị định tổ chức biểu diễn yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trả tiền tác quyền cho tác giả thì mới được cấp giấy phép biểu diễn. Theo cách làm này, đơn vị muốn được xin cấp phép chỉ cần đến VCPMC thực hiện đầy đủ về vấn đề bản quyền rồi mang giấy chứng nhận lên cơ quan quản lý để xin cấp phép.
 
Các nhạc sĩ bức xúc đòi quyền lợi sau cuộc chiến “Ru tình” - 4
Sáng ngày 16/2, các nhạc sĩ đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng

Nếu cách làm trên được thực hiện đúng thì chắc chắn khó có thể xảy ra việc các đơn vị ngang nhiên lách luật như hiện nay, và các nhạc sĩ cũng đòi được quyền lợi từ người sử dụng tác phẩm của mình. Tuy nhiên, điều này trên thực tế lại đang gặp khó khăn khi các đơn vị quản lý (Cục NTBD và các Sở VHTT&DL) cấp phép cho đơn vị tổ chức trước rồi mới yêu cầu đơn vị đó “có nghĩa vụ trả tiền tác quyền”. “Theo quy chế, khi cấp phép, trong thủ tục hồ sơ không cần chứng minh đơn vị tổ chức biểu diễn nộp tiền bản quyền”, ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục NTBD cho biết.

Trước sự bất cập của quy chế, cũng trong buổi gặp mặt ngày 16/2 của các thành viên VCPMC, nhiều nhạc sĩ đề xuất việc thuê văn phòng luật sư tham gia vào các vụ việc tranh chấp mang tính pháp lý để bảo vệ quyền của các tác giả âm nhạc. Hơn 30 nhạc sĩ lão thành cũng đã ký vào một đề nghị chung gửi các cơ quan chức năng, thậm chí gửi cả lên Thủ tướng để phản đối việc vi phạm tác quyền đang diễn ra ngày một nghiêm trọng như hiện nay.

Nguyễn Hằng