Cuộc chiến “Ru tình” hay sự liên kết lỏng lẻo giữa nhạc sĩ và VCPMC?

(Dân trí) Để xảy ra tình trạng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ký giấy trả tiền bản quyền nhạc Trịnh với Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong khi tác phẩm đã được sử dụng độc quyền là do các tác giả chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm với Trung tâm?

Từ cuộc chiến “Ru tình”…

Khởi nguồn những lình xình xung quanh việc tranh chấp tác quyền nhạc Trịnh khi ngày 10/2 vừa qua, bà Trịnh Vĩnh Trinh - người đại diện của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi đơn tới Sở VH,TT&DL thành phố Hà Nội và các cơ quan ban ngành khẳng định đêm nhạc Ru tình  sắp tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô do Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức không ký hợp đồng tác quyền nhạc Trịnh với gia đình bà.
 
Cuộc chiến “Ru tình” hay sự liên kết lỏng lẻo giữa nhạc sĩ và VCPMC? - 1
Bà Trịnh Vĩnh Trinh và anh trai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống

Trong đơn “kêu cứu”, bà Trinh cũng khẳng định: “Đơn vị duy nhất được sử dụng tác quyền nhạc Trịnh hiện nay là IB Group, điều này đã được xác nhận bởi Trung tâm bảo vệ tác quyền”. Được biết, phía IB Group cũng tổ chức chuỗi đêm nhạc Trịnh Công Sơn vào dịp 8/3 tới tại Rạp Công Nhân.

Có thể nói cho đến thời điểm này, “cuộc chiến” giữa hai đơn vị tổ chức chương trình nhạc Trịnh Công Sơn vào dịp 8/3 này tại Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ. Phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam (đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép) cho rằng “sẽ làm theo luật, nếu chứng minh được chúng tôi làm sai thì chúng tôi dừng ngay kể cả bị thiệt hại”. Còn phía IB Group (đã được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch cấp phép) nói sự ủng hộ từ phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là minh chứng quí giá cho sự trân trọng nhạc Trịnh.

Đến sự liên kết lỏng lẻo giữa tác giả và VCPMC

Để xảy ra tình trạng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ký rồi thông báo hủy giấy trả tiền bản quyền đã ký với Liên đoàn Xiếc Việt Nam vì gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đồng ý, theo luật sư Phạm Thanh Thủy – đại diện của VCPMC tại  buổi gặp mặt các thành viên của VCPMC sáng ngày 16/2 là do “sự liên kết giữa tác giả và VCPMC còn lỏng lẻo”.
 
Cuộc chiến “Ru tình” hay sự liên kết lỏng lẻo giữa nhạc sĩ và VCPMC? - 2
Các nhạc sĩ thành viên của VCPMC gặp mặt sáng ngày 16/2 bàn luận nhiều vấn đề xoay quanh chuyện bản quyền âm nhạc

“Khi ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc đối với nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, cụ thể hợp đồng ủy quyền được ký kết vào tháng 9/2011 thì phía gia đình nhạc sĩ đã không thông báo rõ đã bán độc quyền bản quyền nhạc Trịnh cho phía IB Group từ trước đó trong khoảng thời gian từ 10/2/2012 – 10/3/2012 cho nên khi đơn vị khác đến ký kết trả tiền bản quyền thì VCPMC vẫn ký”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, từ vụ việc đêm nhạc Ru tình các tác giả âm nhạc cần “để ý” đến trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của tác giả âm nhạc khi tham gia ký kết ủy quyền quản lý và khai thác tác phẩm là phải thông báo rõ, cụ thể tình trạng tác phẩm của mình như đã bán độc quyền hay cho ai sử dụng hay chưa? Nếu có sự thông báo cụ thể, rõ ràng thì sẽ không có chuyện VCPMC thu nhầm tiền bản quyền từ tác phẩm đã trả tiền bản quyền cho tác giả rồi. Và cũng không có chuyện tác giả ký kết riêng với các đơn vị tổ chức khi đã ủy quyền cho VCPMC.

“Thực tế đáng buồn là hiện tại đến 90% tác giả âm nhạc không nêu rõ tình trạng các tác phẩm của mình”, bà Thủy kết luận.

VCPMC đứng về phía gia đình Trịnh Công Sơn

Trở lại những ồn ào xung quanh cuộc chiến “tranh giành” nhạc Trịnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC khẳng định với báo chí: “ Trung tâm hoàn toàn đứng về phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật không được quyền qua mặt tác giả. Nếu gia đình nhạc sĩ không đồng ý thì anh không được tự ý sử dụng tác phẩm”.
 
Cuộc chiến “Ru tình” hay sự liên kết lỏng lẻo giữa nhạc sĩ và VCPMC? - 3
Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định Trung tâm hoàn toàn đứng về phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Hai giả thiết được luật sư của VCPMC đặt ra là, nếu phía Liên đoàn Xiếc vẫn tiếp tục tổ chức biểu diễn mà không được sự đồng ý của gia đình tác giả là xâm phạm quyền tác giả và đứng trước việc bị khởi kiện. Nếu phía Liên đoàn xiếc muốn tiếp tục tổ chức biểu diễn đúng luật thì phải được sự đồng ý từ phía IB Group. Có nghĩa là ngoài giấy cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị tổ chức đêm Ru tình tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô phải có thêm giấy phép từ người có ủy quyền (IB Group).

Đại diện của VCPMC cũng cho hay: dù phía VCPMC đã gửi báo cáo các trường hợp vi phạm lên thanh tra Sở, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng gửi đơn kiến nghị lên Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và hiện tại vẫn chờ ý kiến chính thức từ các đơn vị cấp phép biểu diễn.

Bài và ảnh: Nguyễn Hằng