Đêm chung kết Sao Mai dòng nhạc thính phòng:

"Biệt tăm" cú lội ngược dòng…

(Dân trí) - Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, dù bị ốm đau phải truyền nước trước vòng thi chung kết nhưng Lê Anh Dũng vẫn tằng tằng tiến lên ngôi vị số 1. Bám sát anh là Nguyễn Phúc Tiệp. Duy chỉ có Nguyễn Hiền Anh là gây chút ngạc nhiên khi vượt lên ở vị trí thứ 3.

Khán giả chờ đợi cú lội ngược dòng ngoạn mục như Nguyễn Tuấn Anh - thí sinh có số điểm thấp nhất trong bảng xếp hạng chung kết Sao Mai miền Bắc 2005 dòng nhạc thính phòng đã bỏ xa Hoàng Thái - giọng hát được nhiều người kỳ vọng nhất trong đêm chung kết toàn quốc thì sẽ thất vọng! Vòng chung kết toàn quốc dòng nhạc thính phòng năm nay, Lê Anh Dũng (Thanh Hoá) lại… dẫn đầu.

 

Còn nhớ cách đây 3 năm, anh chàng này đã “qua mặt” hơn 300 thí sinh, giành ngôi vị quán quân trong cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2004”. Không quá đẹp trai nhưng Lê Anh Dũng chinh phục khán giả bằng chất giọng mượt mà, tình cảm với lối xử lý ca khúc tinh tế. Ở đêm chung kết Sao Mai miền Trung - Tây Nguyên anh đã gây bất ngờ với ca khúc Nhớ đàn xe nước của Văn Đông. Một ca khúc cũ và khó lại thành lợi thế cho anh khoe giọng. Ban giám khảo (BGK) đã rất thích thú và đánh giá anh là thí sinh hát tốt nhất trong số thí sinh tham gia dòng nhạc thính phòng đêm chung kết khu vực.

 

Tại đêm chung kết toàn quốc của dòng nhạc thính phòng, Dũng đã thăng hoa với ca khúc Người con gái Việt (nhạc Lân Tuất, lời Anh Thơ). Với chất giọng mượt mà, khi “rất bay”, lúc lại sâu lắng, tràn đầy xúc cảm anh đã chinh phục hoàn toàn  BGK và các vị khách mời. Ca sĩ Hồng Vy thể hiện sự khâm phục với phong cách trình diễn tự tin, xử lý ca khúc tinh tế của Lê Anh Dũng. NSND Quang Thọ thì láy đi láy lại về một sự chuẩn bị ca khúc kỹ càng, thể hiện rất tốt, rất thành công.

 

Còn một yếu tố nữa vô cùng quan trọng, đó là Lê Anh Dũng đã kết hợp hài hoà giữa chất giọng xúc cảm tự nhiên với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện và công sức luyện tập. Ngôi vị dẫn đầu với số điểm 9,68 dành cho anh là hợp lý.

 

Dũng hồ hởi sau đêm thi: “Mình đã hát hết khả năng dù chưa khoẻ hắn. Đêm chung kết toàn quốc 3 dòng nhạc tới đây mình sẽ quay về với một nhạc phẩm của nhạc sĩ An Thuyên. Tên ca khúc là gì thì mình phải giữ đến phút chót”.

 

"Biệt tăm" cú lội ngược dòng… - 1
 Lê Anh Dũng

 

Bám khá sát Lê Anh Dũng là Nguyễn Phúc Tiệp (Hà Nội) với số điểm 9,4. Anh được xem là giọng nam trung, khoẻ khoắn và rất…tình. Nếu như tại đêm chung kết khu vực miền Bắc, bị áp lực vì là thí sinh hát đầu tiên, hát nắn nót, điệu quá nên có đoạn bị phô thì đến đêm qua anh hát cẩn thận hơn, cố gắng hơn. Ca khúc Vang mãi bản tình ca (Trọng Bằng) do anh thể hiện được các vị khách mời rất khen. Có khán giả đã theo dõi anh từ chặng đầu còn cho rằng đêm nay anh đã thể hiện sự đột phá.

 

Phần trình diễn của anh ấn tượng không chỉ vì thể hiện một tác phẩm kinh điển truyền cảm mà còn vì anh nghiên cứu tác phẩm rất kỹ, âm hưởng hợp với chất giọng. Được biết, hành trang Phúc Tiệp mang theo vào Nha Trang là tấm hình siêu âm đứa con 32 tuần. Có lẽ, nghĩ đến đứa con sắp chào đời cũng là động lực để Phúc Tiệp “vụt sáng” trong đêm qua.

 

"Biệt tăm" cú lội ngược dòng… - 2
 Nguyễn Phúc Tiệp

 

“Sự kiện” nhất đêm chung kết dòng nhạc thính phòng là thí sinh Nguyễn Hiền Anh “Hà Nội”. Tại đêm chung kết khu vực miền Bắc, thí sinh này được nhạc sĩ Phó Đức Phương khen là dũng cảm, dám mở rộng danh mục nhạc thính phòng, chọn bài Khúc ca Hơrê (Phan Ngọc) để khoe giọng. Tới đêm qua, cô tiếp tục phát huy lòng dũng cảm khi đem Gọi anh của Dương Thụ ra ứng thí. Trước đêm thi, Ban tổ chức đã “can thiệp” để Hiền Anh đổi bài nhưng cô nhất quyết “không” và ban nhạc phải rất cố gắng để phối một bài nhạc nhẹ theo phong cách thính phòng.

 

Hiền Anh đạt số điểm 9, 36 và leo lên vị trí thứ 3 khiến khán giả hơi bất ngờ. Hiền Anh trình bày Gọi anh không xuất sắc nếu không nói là hơi gượng. Những âm thanh cuối cùng của Gọi anh không được đẹp. Và bài hát này cũng chưa phải là bài hát phù hợp với giọng cao vốn là ưu điểm của cô.

 

Dù sao BGK lựa chọn Hiền Anh cũng có thể hiểu được. Trong dòng nhạc  hiếm hoi “nữ tú” thì cô là lựa chọn tốt nhất để “có nếp có tẻ”. Quan trọng hơn, BGK đã nhìn vào sự dũng cảm của Hiền Anh. Trong khi các thí sinh khác tìm giải pháp an toàn bởi những ca khúc “lối mòn” thì cô dám tìm tòi và “bảo vệ” ca khúc mới cũng như bảo vệ lập trường của mình. Hát Gọi anh theo dòng nhạc thính phòng là cả một sự thách đố, ơn trời, cô đã thành công.

 

"Biệt tăm" cú lội ngược dòng… - 3
 
Nguyễn Hiền Anh 

 

Đối thủ nặng ký của top 3  nhiều người đinh ninh rằng Lê Xuân Hảo (Quảng Trị) và Đặng Minh Hải (Hà Tây). Hảo vốn được đánh giá từ các vòng ngoài là có “chất thính phòng bẩm sinh” và Đặng Minh Hải được coi có chất giọng đẹp, kỹ năng điều phối hơi “đỉnh”. Giải mã về sự “thất bại”, có thể thấy rằng BGK đánh rớt Lê Xuân Hảo vì anh “chọn lầm” ca khúc. NSND Quang Thọ nhận xét: “Người Hà Nội là tác phẩm quá lớn so với anh”, thế là “chết” rồi! Số điểm chênh lệch khá lớn giữa các điểm BGK chấm cho thấy rằng, cách thẩm thấu ca khúc của BGK “mỗi người một vẻ” và người chịu thiệt thòi không ai khác là thí sinh.

 

Với Đặng Minh Hải mang SBD 07, ngày 7/7/2007 được quan niệm là ngày may mắn  đã không phải là ngày may mắn của anh. Phần đầu ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (nhạc Nguyễn Văn Thương, lời thơ Tố Hữu) anh thể hiện hơi…sượng, đoạn giữa thể hiện cũng chưa ra chất của ca khúc. Nhận số điểm 9, 22, Hải còn thua cả Hảo nói gì đến chuyện lọt vào top 3?

 

Số điểm các thí sinh dòng nhạc thính phòng năm nay không trội như năm trước nhưng chất lượng khá đồng đều. “Tốt đều” chứ không “tốt lỏi”. Trừ Lê Viết Hoàn “đau khổ” với 8, 94, các thí sinh còn lại số điểm đầu 9 trở lên. Một chi tiết nữa, 4 thí sinh đầu tiên, số điểm của người sau đều cao hơn người trước. Điều đó chứng tỏ, các thí sinh rất nhanh trong việc tiếp thu ý kiến của các khách mời và ứng dụng ngay vào phần thi của mình.

 

Danh sách thí sinh vào chung kết toàn quốc dòng nhạc thính phòng:

 

- Lê Anh Dũng (SBD08, Thanh Hoá)

 

- Nguyễn Phúc Tiệp (SBD 06, Hà Nội)

 

- Nguyễn Hiền Anh (SBD09, Hà Nội).

 

 

Bài: Hàn Nguyệt

Ảnh: Việt Tùng