Biên đạo múa Lê Minh Thùy: Tôi muốn được gọi là Biên đạo múa Quần chúng

Các khán giả VTV3 chắc hẳn còn nhớ hình ảnh biên đạo múa Lê Minh Thùy trẻ trung - duyên dáng và kỹ năng mô phạm rất tốt trong các số ghi hình cho chương trình Dạy thể thao trên truyền hình của VTV3 với bài dạy nhảy cùng Vũ đoàn Hà Nội.

Hiện chị là biên đạo múa đồng thời quản lý Vũ đoàn Hà Nội - một trong những Vũ đoàn rất nổi tiếng tại Hà Nội thời gian gần đây. Vũ đoàn này từng tham gia nhiều chương trình Liveshow nghệ thuật như: Gửi nắng cho em, Màu Hoa Đỏ... chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV - VTC - VOV...; ghi hình trong chương trình Bước nhảy Mùa Xuân 2015 của VTV với các tác phẩm múa độc lập đẹp mắt và các bài múa minh họa cho các ca sĩ nổi tiếng: Ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, NSUT Việt Hoàn.....


Chân dung biên đạo múa Lê Minh Thùy. photo: Anh Kiên

Chân dung biên đạo múa Lê Minh Thùy. photo: Anh Kiên

 

Chị cũng là biên đạo múa của chương trình nghệ thuật Cảm xúc tháng 05 năm 2015 diễn ra đầy ấn tượng tại Cung Thanh Niên cùng các nghệ sĩ tên tuổi: NSND Quang Thọ, Sao mai Lê Anh Dũng, Sao Mai Ngọc Ký, Sao mai Lương Nguyệt Anh...Tuy vậy, khi nhắc đến tên mình hay nghệ danh Hà Lê mà mọi người vẫn yêu quý gọi chị lâu nay, chị muốn được khán giản nhớ đến mình với cái gọi rất giản dị và khiêm tốn: là biên đạo múa quần chúng!.

Con đường từ giảng viên đại học trở thành giáo viên dạy múa

Trước khi chính thức sống bằng đam mê biên đạo Múa, chị là giảng viên cơ hữu môn Quan hệ Công chúng của trường Đại học Đại Nam - ngôi trường nổi tiếng bởi chất lượng đào tạo và phương châm học và thực tiễn. Chị cũng là một giảng viên được sinh viên hết sức yêu quý bởi sự nhiệt tình, tận tâm và tính thực tiễn trong từng bài giảng. Chị được Văn phòng khoa Quản trị kinh doanh và Ban giám hiệu đánh giá cao bởi những đề xuất giảng dạy môn PR cũng như tổ chức cuộc thi về PR cho sinh viên.

Do các công việc ở trường chiếm hết quỹ thời gian, sau đó, chị muốn dừng không tiếp tục theo đuổi nghề biên đạo nữa vì muốn tập trung cho việc giảng dạy tại trường. Tuy nhiên, vì lương giảng viên rất thấp, kinh tế vô cùng khó khăn nên thời điểm đó, chị quyết định gửi đơn lên Ban giám hiệu xin nghỉ dạy.

Nghỉ công tác tại trường, Chị cũng được một công ty liên doanh với Mỹ về làm việc với vị trí phó phòng PR & Marketing với mức lương khá ổn. Tưởng rằng, với một vị trí đáng mơ ước với mức lương tốt như vậy, có thể gắn bó được lâu.

 

Biên đạo múa Lê Minh Thùy: Tôi muốn được gọi là Biên đạo múa Quần chúng - 2

Môi trường công sở rất cạnh tranh và nhiều người có thể chơi xấu người khác để mình vươn lên. Nhưng khi tôi đi dạy múa, tôi không hề có cảm giác mệt mỏi như vậy, trái lại, lúc nào tôi cũng tràn đầy vui vẻ và thoải mái. Học sinh của mình dù nhiều tuổi hay ít tuổi đều một lòng học bài cho tốt. Không có cạnh tranh tiêu cực, không có chơi xấu....Cuộc sống chúng tôi rất thanh thản,  chỉ toàn âm nhạc, các động tác nhảy múa, ánh sáng sân khấu, nụ cười và nước mắt xúc động…chị chia sẻ.

Và cuối cùng, chị lại nghỉ việc và chỉ muốn làm biên đạo múa, là một cô giáo dạy múa

Là Biên đạo Múa có tâm

Đó là hầu hết đánh giá của khách hàng và học sinh dành cho chị. Dạy không vì tiền bạc, không dạy qua loa mà luôn tận tình và chân thành. Khi đi biên đạo ở các doanh nghiệp, chị có lợi thế là từng làm việc ở các công ty khác nhau nên phần nào hiểu được môi trường công sở cũng như hiểu được cách làm việc với khách hàng. Trước khi đến một đơn vị nào đó mới để biên bài, chị thường tìm hiểu về văn hóa, về lịch sử phát triển, lĩnh vực hoạt động của công ty đó. Mỗi văn hóa công ty là một thứ tính cách khá thú vị, nhờ đó chị có thể hiểu họ, tìm ra cách làm việc và giảng dạy phù hợp với tính cách của khách hàng.

Là biên đạo múa nhưng chị thường làm vai trò như của một người tổng đạo diễn. Từ việc chọn tác phẩm hay thể loại phù hợp với khách hàng; tư vấn cho khách chọn bài sao cho phù hợp và hiệu quả tốt nhất; xây dựng kịch bản chương trình, làm việc với nhạc sĩ giảng dạy, với nhạc sĩ sáng tác phối khí, với biên tâm âm nhạc, chọn âm nhạc phù hợp; giảng dạy...Chị còn quan tâm cả trang phục, đạo cụ, lời dẫn MC, thiết kế bối cảnh sân khấu, kịch bản ánh sáng sân khấu thậm chí cả các hiệu ứng như hình ảnh trình chiếu...

Sau này, chị có cả 1 ekip hỗ trợ và thực hiện chuyên nghiệp cùng mình: trợ lý biên đạo, nhạc sĩ, phòng thu, giảng viên thanh nhạc, diễn viên kịch, diễn viên xiếc - ảo thuật, họa sĩ sân khấu, họa sĩ thiết kế, thiết kế trang phục đạo cụ, MC, biên tập âm nhạc, ekip chụp hình - trang điểm....

Chị cho biết như vậy mới có thể làm tốt bài cho khách và chuyên nghiệp từng khâu. Mình có ekip hiểu mình và như vậy có thể quản lý tốt các khâu.

 


Biên đạo múa Lê Minh Thùy cùng các học trò trong workshop: Để trở thành Biên đạo múa chuyên nghiệp do Trung tâm Múa; Biên đạo Hà Nội tổ chức

Biên đạo múa Lê Minh Thùy cùng các học trò trong workshop: Để trở thành Biên đạo múa chuyên nghiệp do Trung tâm Múa; Biên đạo Hà Nội tổ chức

 

Chị không phân biệt khách hàng khi nhận lời mời biên đạo. Không vì khách hàng có thương hiệu lớn mà nhận lời, cũng không vì chỉ là một phòng làm việc nhỏ- quá ít tiền mà không nhận lời. Chị thường nhận lời khách khi cảm thấy phù hợp trong cách. Không vì khách hàng làm việc cũng như thấy hứng thú với chủ đề khách hàng mong muốn. Thậm chí nhiều nơi dạy không lấy tiền. Có những tỉnh nghèo không có nhiều tiền mời biên đạo, chị sẵn sàng về dạy không công.

Chị còn được học sinh yêu mến bởi cách giảng dạy của mình. Khi hướng dẫn học sinh tập tổ hợp hay chạy bài, chị vừa động viên vừa nghiêm khắc. Chị cố gắng nói ngắn gọn và truyền đạt một cách chính xác nhất. Chị cho biết, cảm giác đứng trên bục giảng và cảm giác khi đi biên bài rất giống nhau. Mình càng động viên khuyến khích học sinh càng có thêm động lực hoàn thành tốt bài. Học sinh trong các bài múa của chị đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ cho đến già; đủ mọi thành phần, từ nông dân cho đến giám đốc thì cách cư xử và hướng dẫn của chị vẫn luôn tận tụy và khuyến khích.

Chị và ekip cũng được gọi là nhóm chuyên dành giải bởi hầu như chương trình nào biên bài cũng được giải cao, từ giải nhất giải nhì giải ba toàn quốc - khu vực đến các giải cao nội bộ khối đơn vị.

Trở thành Giám đốc Trung tâm Múa & Biên đạo Hà Nội 

Song song với công việc biên đạo, chị cũng mở lớp dạy múa Ballet - Dân gian - Đương đại tại nhà. Lúc đầu lớp của chị chỉ có một cô một trò, sau 03 năm, lớp học ấy đã phát triển thành Trung tâm Múa & Biên đạo Hà Nội Nguyễn Lê ngày nay  với khoảng 600 học sinh theo học với đội ngũ giảng viên  - Biên đạo múa nổi tiếng tại Việt Nam: Hoàng tử Ballet số 01 Việt Nam Cao Chí Thành, Biên đạo múa - thạc sĩ Phùng Khải, Biên đạo múa Hoàng Dương, Giảng viên đương đại Bùi Tuấn Anh, Giảng viên Dân gian Kim Oanh, thạc sĩ Khánh Ngọc...

Thuật ngữ Trung tâm Múa & Biên đạo của chị cũng là thuật ngữ tên trung tâm Múa đầu tiên tại Việt Nam. Sau này, khi mô hình của chị thành công, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các mô hình và tên trung tâm múa tương tự.

Bên cạnh hoạt động biên đạo và quản lý tại Trung tâm Múa, chị tham gia Ban giám khảo các cuộc thi nghệ thuật cùng các giám khảo: NSUT Trọng Thủy - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Thạc sĩ nhạc sĩ Tuấn Lưu, Nhà báo Ngô Bá Lục, MC Thanh Vân, DJ SlimV, Popper Hoa Đức Công...Trong mỗi cuộc thi, ở vị trí Giám đốc Trung tâm Múa - một biên đạo múa - một giảng viên, chị luôn đưa ra những lời nhận xét chính xác và tư vấn bài hiệu quả cho thí sinh.

Sắp tới, chị cũng thu xếp thời gian để theo học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Văn hóa nghệ thuật để phục vụ cho công tác quản lý tại Trung tâm.

Tôi muốn được gọi là biên đạo múa quần chúng

Chị Lê Minh Thùy cho biết, trước đây, chị học tại khoa Văn hóa Quần chúng của trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nên đi đâu cũng giới thiệu em học văn hóa quần chúng nên em là biên đạo múa quần chúng. Dù sau này chị học thêm về chuyên môn ở nhiều trường khác nhau thì chị vẫn giới thiệu là sinh viên Đại học Văn Hóa Hà Nội. Đó là niềm từ hào của tôi - chị chia sẻ, nơi tôi được dạy dỗ, được nên người và được học bao nhiêu điều. Nhiều bạn sinh viên đi biên bài hay đi dạy múa thường nói mình là sinh viên trường cao đẳng múa hay sân khấu điện ảnh nhưng tôi không cho rằng, sinh viên đại học Văn hóa lại non kém hơn đâu!.Tôi là cựu sinh viên Đại học Văn Hóa còn học trò của tôi hiện là sinh viên của trường Đại học Văn Hóa, trường Cao đẳng Múa Việt Nam và Sân khấu điện ảnh. Chị tự hào.

Chị muốn được gọi là biên đạo múa quần chúng cũng vì mong muốn được dạy múa cho nhiều đối tượng quần chúng nhân dân. Đặc biệt, tôi thích dạy múa cho nông dân. Chị chia sẻ. Chi từng về chính ngôi làng của mình để dạy múa cho các chị em. Cảm giác giữa đêm tối khuya khoắt, các chị em đưa cả chồng con của mình lên nhà văn hóa của Làng để tập múa sau một ngày lao động chân tay vất vả thật ý nghĩa. Nhìn nụ cười sảng khoái của các chị các em, nhìn những đôi bàn tay bàn chân lấm lem đồng ruộng của họ, nhìn vào đôi mắt ngây thơ của các em nhỏ khi nhìn chị dạy múa... chị thấy công việc biên đạo của mình ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Ở Hà Nội, chị thường thu xếp cùng các trợ giảng của mình đi diễn từ thiện và dạy múa từ thiện cho các em nhỏ ở làng trẻ em SOS, Trung tâm khuyết tật, Viện huyết học truyền máu TW, Trung tâm trẻ tự kỷ...

Tôi ước mơ, sau này, tôi có điều kiện hơn để được đi dạy múa miễn phí cho nông dân và các em nhỏ thiệt thòi ở khắp mọi miền đất nước. Múa đã thành phong trào văn nghệ ở khắp nơi nơi rồi, mọi người đều cần biết chút kỹ thuật múa cơ bản của dân gian dân tộc Việt Nam. Mọi người đều biết múa và sẽ múa đẹp!. Chị Lê Minh Thùy hào hứng chia sẻ.