1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bích Ngọc: "Khi kịch câm suy vong, nhiều đêm tôi đã khóc"

(Dân trí) - Hơn 20 năm cống hiến cho nền nghệ thuật với vai trò diễn viên kịch câm và đạo diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Bích Ngọc để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Mới đây, chị cho ra mắt vở kịch câm “Tiếng vọng hành tinh”, đây được coi là một sự thể nghiệm mới.

Chị dựng vở “Tiếng vọng hành tinh” từ khi nào?

 

Tháng 7/2005 tôi đã sáng tác và dàn dựng vở kịch hình thể “Tiếng vọng hành tinh” với  độ dài 45 phút. Đây là một sự thể nghiệm mới được ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật nhà hát đánh giá rất tốt. Tôi nghĩ “Tiếng vọng hành tinh” là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệpcủa tôi.

 

Bỏ hết công sức, tiền của vào dàn dựng “Tiếng vọng hành tinh” - vở kịch câm lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam vào dịp cuối tết, chị có thấy mình hơi liều?

 

Nhiều người nói tôi điên khi bỏ công sức, tiền của để dựng kịch câm lúc này - lúc mà phim thị trường và hài kịch dễ hút khách nhất. Nhưng tôi dựng vì nhớ nghề và vì cả khán giả yêu kịch nữa. Đây sẽ là cơ hội để khán giả thuộc thế hệ 8X sẽ biết đến kịch câm, còn tầng lớp trung niên không quên kịch câm.

 

Đôi nét về nghệ sĩ Bích Ngọc:

Sinh ngày 7/3/1962. Hơn 24 năm tham gia nghệ thuật chị mang về cho mình và Nhà hát Tuổi Trẻ khá nhiều giải thưởng: HCV tại Festival Thế giới lần thứ 13 tại Bình Nhưỡng với tiết mục kịch câm độc diễn – “Vòng quay cuộc đời”; HCV hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – vai con rắn (Vở Thi sĩ hủi);

 

Được cấp chứng chỉ của Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản vì thành tích tham gia tích cực phong trào đoàn kết thanh niên thế giới trong Festival thanh niên Việt - Nhật lần thứ nhất;

 

Được Bộ văn hoá thông tin tặng giấy khen “Giỏi việc nước đảm việc nhà”.

Với chị, kịch câm gắn bó với chị vì lý do gì?

 

Năm 1980 tôi bắt đầu học dự bị kịch câm và tham gia biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Năm 1982 - 1985, tôi học lớp trung cấp chính quy tại nhà hát thuộc bộ văn hoá thông tin. Từ đó đến nay kịch câm luôn song hành trong bước đời của tôi. Vì sao chọn nó thì tôi không biết, ngay từ ngày đầu tiếp xúc với nó tôi đã mê lắm rồi.

 

Tôi ra nghề vào thời kỳ kịch câm đang được cưng như hoàng tử, công chúa nên họ không tin đó là niềm đam mê của tôi. Nếu không có những đam mê tôi đã không phải bỏ ra nhiều mồ hôi, nước mắt vì nó. Thời kỳ bận diễn tôi vẫn chăm chỉ lọc cọc đạp xe đạp tham gia dạy từ thiện kịch câm cho Trường câm điếc Xã Đàn, Trường thiểu năng Trung Tự, dàn dựng ở Trường mù Nguyễn Đình Chiểu…

 

Có thời gian dài mưu sinh tôi phải kinh doanh viện ảnh áo cưới, vật liệu xây dựng nhưng chưa bao giờ tôi có ý định rời bỏ kịch. Kịch câm suy vong, nhiều đêm tôi đã nằm khóc, trăn trở làm sao để khán giả lại yêu kịch câm như ngày nào, nên vừa rồi khi có điều kiện tôi dựng ngay vở kịch câm “Tiếng vọng hành tinh”.

 

Để khán giả đến với sân khấu kịch câm lúc này là vô cùng  khó khăn?

 

Dù giới chuyên môn đánh giá vở kịch của tôi có chất lượng, nhiều miếng màu mới lạ, thu hút nhưng mục đích ban đầu của tôi chỉ để công diễn ngoại giao và diễn miễn phí cho sinh viên, đồng bào lũ lụt…

 

Về lâu dài chị phải nghĩ đến mục đích kinh doanh chứ?

 

Tôi cũng dự định bán vé cho các vở kịch câm nhưng phải bằng cách xen lẫn các chương trình ca nhạc, hoặc dựng một vở kịch câm có kịch bản hài hước…

 

Xin cảm ơn chị!

 

Thu Nguyên