Bạn bè đau đớn trước sự ra đi của NSND Y Moan
(Dân trí) - Sự ra đi của NSND Y Moan đã làm trái tim hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam rơi lệ. Và trên hết đối với những người bạn, người nghệ sĩ đã từng sát cánh bên ông trên con đường âm nhạc thì nỗi đau này là sự mất mát quá lớn.
Nhạc sĩ Mạnh Trí không chỉ là người đầu tiên phát hiện và dẫn dắt NSND Y Moan đến với sự nghiệp âm nhạc vẻ vang như bây giờ mà trên hết đó là tình bạn, tình đồng đội đã sát cánh bên nhau trên con đường âm nhạc. Đến tiễn biệt người học trò, người đồng chí của mình, “thầy” Mạnh Trí không khỏi nghẹn ngào kể lại những kỉ niệm giữa mình với chàng trai Ê Đê đầy bướng bỉnh.
NSND Y Moan bên người mẹ của mình trong buổi đón nhận danh hiệu NSND
Nghiệp ca hát đến với NSND Y Moan từ năm 1976, khi đó nhạc sĩ Mạnh Trí là đội trưởng đội ca nhạc của tỉnh Đăk Lăk, có nhiệm vụ vào các buôn làng tìm tòi và đào tạo những giọng ca tài năng. Và ông đã phát hiện ra một chàng trai Ê Đê, hát thánh ca với chất giọng to, cao, vang… đó chính là nghệ sĩ nhân dân Y Moan bây giờ.
Thuyết phục được chàng trai bướng bỉnh này vào đoàn văn nghệ đã khó, giữ được anh ta ở lại tập luyện là cả một vấn đề, khi sáng nào cũng phải luyện thanh, tập hát. Khi quá trình tập luyện lại mang tính chất quy tắc, kỉ luật đã là điều gây khó chịu với những người con của núi rừng thường sống theo bản năng và ý thích của mình. Trong khi cuộc sống của đoàn lại quá khó khăn, kham khổ, hàng ngày các nghệ sỹ chỉ ăn ngô, sắn và bo bo.
Từ đó, nghệ sĩ Minh Trí bắt đầu dạy Y Moan những bài hát tiếng kinh đầu tiên, đó là bài Lá đỏ, sau đó là bài Cung đàn mùa xuân… rồi đưa ông đi khắp các buôn làng xa xôi để “phục vụ chính trị”, dùng tiếng hát để vận động bà con.
Năm 1979, NSND Y Moan lần đầu tiên tham gia một hội thi lớn và giành luôn huy chương vàng cuộc thi “hội diễn các đoàn ca múa nhạc toàn quốc tại TPHCM”, sau đó ông bắt đầu phát triển sự nghiệp ra Hà Nội và nhều nước khác trên thế giới.
Mặc dù đã nổi tiếng, nhưng ông vẫn gắn bó với quê hương, nơi sinh ra mình. Luôn luôn vào các buôn làng để cống hiến giọng ca, chính vì vậy những người con của Tây Nguyên không chỉ tự hào về Y Moan mà phong cách âm nhạc, những bài hát của ông đã ăn sâu vào nền âm nhạc của các chàng trai, cô gái của nơi đại ngàn Tây Nguyên, là cánh chim đầu đàn của các buôn làng Tây Nguyên: “Dù đã nổi tiếng nhưng Y Moan vẫn luôn giữ nếp sống của người Ê Đê, mỗi lần về làng, Y Moan vẫn lên rẫy, đi săn bắn… và giữ được cái hồn của dân tộc”.
Chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hữu Trường đến viếng NSND Y Moan
“Tôi biết NSND Y Moan khi anh mới vào nghề, những năm 1977- 1979, khi đó giọng hát của Y Moan còn thô, chưa qua đào tạo nhưng nó đã báo hiệu một giọng ca sau này sẽ trở thành NSND của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.”
“Vĩnh biệt anh, tôi vĩnh biệt một đồng đội, một người bạn lớn của những nghệ sĩ lớn. Cầu mong cho linh hồn anh sẽ siêu thoát và giọng hát của anh vẫn còn đọng mãi.”
“Khi thắp nén nhang cho Y Moan thì tôi thấy một sự vô lý hết sức: Chị lại đi lạy trước vong linh em như thế này. Theo thói đời người ta vẫn thấy thì người lớn tuổi phải đi trước chứ. Chỉ tiếc rằng, nguyện vọng cuối cùng của Y Moan vẫn không thực hiện được. Đó là được hát ở Đắk Lắk với các nghệ nhân, bạn bè trên chính quê hương mình...”