1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được công nhận là bảo vật quốc gia

Lạc Thành

(Dân trí) - Thủ tướng vừa quyết định công nhận 33 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Theo quyết định của Thủ tướng ngày 31/12/2024, ấn vàng Hoàng đế chi bảo thời Minh Mạng - đang lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tỉnh Bắc Ninh - là 1 trong 33 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được công nhận là bảo vật quốc gia - 1

Chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được chạm trổ tinh xảo (Ảnh: Toàn Vũ).

Vào tháng 11/2023, ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng - đã chi số tiền hơn 6,1 triệu euro (khoảng hơn 153 tỷ đồng) mua lại ấn vàng từ hãng đấu giá Millon (Pháp).

Ấn vàng cao 10,4cm, nặng 10,78kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chạm khắc tinh xảo, là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc.

Khi về Bắc Ninh, bảo vật được trưng bày bên cạnh chân dung vua Minh Mạng và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Trần Trọng Hà - Giám đốc phụ trách chuyên môn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng - từng cho biết, nếu ấn vàng được công nhận là bảo vật, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cũng sẽ có một buổi lễ long trọng để ra mắt báu vật này.

Lần công nhận này, Hà Nội có nhiều bảo vật quốc gia nhất được công nhận, gồm: Trống đồng Đông Sơn (trong bộ sưu tập Kính Hoa) thế kỷ 3-2 trước Công nguyên của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính; đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài, thế kỷ 15, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ; đôi tượng nghê đồng thế kỷ 17 tại Bảo tàng Hà Nội; ba chiếc ôtô phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh có niên đại từ năm 1954 đến năm 1969 tại Phủ Chủ tịch.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 2 bảo vật gồm: Bia chùa Linh Xứng (đời vua Lý Nhân Tông, năm 1126) và mộc bài Đa Bối (niên hiệu Thiệu Long thứ 12, năm 1269).

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội có các bảo vật: Sưu tập đầu phượng thời Lý, thế kỷ 11-12, bình ngự dụng thời Lê sơ, thế kỷ 15, sưu tập gốm sứ cung Trường Lạc thời Lê sơ, thế kỷ 15-16.

Huế có bốn bảo vật, gồm: Phù điêu thời Minh Mạng, năm 1829, cặp tượng rồng thời Thiệu Trị năm 1842, ngai hoàng đế Duy Tân đầu thế kỷ 20, chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng năm 1822.

Quảng Nam có 4 hiện vật được công nhận, gồm: Trống đồng Đông Sơn thế kỷ 3-2 trước Công nguyên và thạp đồng Đông Sơn thế kỷ 3-1 trước Công nguyên, thuộc sưu tập tư nhân Lương Hoàng Long, trang sức vàng Lai Nghi và hạt mã não hình thú Lai Nghi, thế kỷ 3 trước Công nguyên đến giữa thế kỷ 1.

Hà Nam có ba bảo vật là khánh đá chùa Điều đời vua Lê Hy Tông năm 1692, trống đồng Vũ Bản thuộc văn hóa Đông Sơn thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn thời Lý.

Đà Nẵng có ba bảo vật gồm phù điêu Shiva múa Phong Lệ thế kỷ 10, phù điêu Uma Chánh Lộ thế kỷ 11, tượng rồng Tháp Mẫm thế kỷ 12-13.

Hai bảo vật tại An Giang là đầu tượng Phật Linh Sơn Bắc thế kỷ 1-3, mộ vò Gò Cây Trâm thế kỷ 4-5.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được công nhận là bảo vật quốc gia - 2

Phù điêu Kala Núi Bà thế kỷ 14 tại Phú Yên vừa được công nhận là bảo vật quốc gia (Ảnh: Bảo tàng Phú Yên).

Bên cạnh đó, nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật như: Tượng Avalokitesvara Bắc Bình thế kỷ 8-9 tại Bình Thuận, phù điêu Kala Núi Bà thế kỷ 14 tại Phú Yên, bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm thế kỷ 19 tại Bắc Giang, bộ kim phẩm đền Nghè đầu thế kỷ 20 tại Hải Phòng, đàn đá Đăk Sơn niên đại 3.500-3.000 năm tại Đăk Nông, chõ gốm văn hóa Đông Sơn tại TPHCM, tượng đồng tê tê Long Giao thế kỷ 1-2 tại Đồng Nai.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ... được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận ở trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.