1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ái Vân: Hậu vận của hồng nhan

Ái Vân về nước biểu diễn - sự đã thường, kể cả chuyện chị hát Triệu bông hồng trong “Nhạc hội tháng Tư” kỉ niệm 20 năm thành lập Nhà hát Nhạc nhẹ T.Ư cũng vậy. Nhưng, thật ngạc nhiên khi nghe ái Vân hẹn: đến 38 phố Huế nhé...

Hoa khôi phố Huế ngày nào...

Sau bao năm, tôi lại lò dò men theo lối hẹp số nhà 38 phố Huế, một con phố rất Hà Nội: Bên ngoài cứ tưởng thoáng đẹp, càng vào sâu càng thấy lôi thôi.

Khu tập thể Bộ Văn hóa ngày nào chẳng nhiều thay đổi. “Căn phòng khoảng 4 chục mét ngày xưa, ba chị bán rồi, 35 cây thì phải. Giờ còn phòng nhỏ của chị dâu, chị qua ăn bữa cơm. Cả gia đình sống ở đây cũng phải gần 200 năm. Xưa, nhà 38 là ruộng rau muống đấy chứ”.

Hơn hai chục năm trước, ở phố Huế người đẹp nhiều và đặc sắc chẳng kém mạn Hàng Đào, Hàng Gai. Lui xuống gần rạp Đại Nam, có diễn viên kịch nói Thùy Ninh, cạnh nhà diễn viên múa Tuyết Mai. Cũng là xinh song không thể “lại” Huyền “Mỳ”, tức Thu Huyền, nhà bán mỳ vằn thắn.

Quán xá không lấy gì vệ sinh nhưng mỳ ngon lại có con gái đẹp, thực khách cứ là nghìn nghịt. Không phải người của công chúng, Huyền có thể thua nghệ sĩ cỡ lớn Ái Vân về vóc dáng, còn gương mặt chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào".

Cách gia đình nghệ sĩ Ái Liên vài bước chân, chị em Hương Xiêm, Xiêm Hương - lứa tôi, nghĩa là kém Ái Vân mười mấy tuổi, nhà chật đút nhưng trời phú sắc đẹp hơn người. Ái Vân nhắc: “Có chị Thúy Phương bán dược phẩm nữa, nhớ không, xinh lắm”.

Nếu tính cả giới ngoài nghệ sĩ, e không xuể. Xiêm Huê, diễn viên điện ảnh, người của mốt, luôn xuất hiện rất kiêu sa trên đường phố Huế. Quần bò trông chân thẳng tắp, đầu ngẩng cao, phóng Phượng Hoàng vun vút - sát đường ray tàu điện chứ không nép vào hè hoặc nhường đường cho xe bên phải như “người thường”.

Ai cũng nghèo, đương nhiên. Nên Xiêm Huê đi xe Phượng Hoàng Trung Quốc, đã nổi. Còn Ái Vân diện quần ka - ki trắng, áo satin nõn chuối đi xe Peugeot 104 màu cá vàng, thật là sáng cả một góc trời, khiến cho hai hè phố dõi theo, mơ mộng.

“Ngày xưa đẹp và vui. Giờ về phố Huế thấy thương, thật là nhỏ bé, chật chội, vẫn khó khăn quá”. Còn Hà Nội nói chung? “Hà Nội à? Nét thơ mộng, nét duyên vẫn còn, nhưng bị những cái mới làm giảm chất thơ, tuy nhiên cuộc sống thì cứ phải tiến lên thôi”.

“Sharon Stone nói phụ nữ bước vào tuổi 40 khác nào mắc bệnh phong” (thảo nào Bản năng gốc 2 không lung lạc được ai). “Mình cũng phong!”, người đẹp phố Huế cười vang.

“Mỹ phẩm chị ưa dùng? Và bí quyết trang điểm?” “Dưỡng da là quan trọng nhất. Sữa rửa mặt và Lotion - Vân quen dùng Shiseido, make - up thì của Chanel, MAC. Uống nhiều nước. Còn trang điểm, nhất định phải nhấn đôi mắt  - cửa sổ tâm hồn, trên nền da luôn sáng”.

Ái Vân hôm nay vẫn thích mặc Jeans, nhưng giả dụ áo bò (hơi cứng) thì hoa tai rất trẻ trung lủng lẳng (mềm); áo đen thì quần cũng đen, quần có một ít kẻ sọc.

“Kiểu tóc điện giật này Vân ưng lắm, sấy nhanh, đơn giản”. Đuôi tóc vểnh,  “highlight”. Gương mặt như thể không hề bị những “cú đấm của thời gian”. Gò má trắng mịn điểm chút phấn màu cam, cặp mắt to mở lớn, mũi như dân “không thuần chủng”, môi có “nụ”, nói cười trông càng duyên...

Hồng nhan có hậu

Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội (phố Lý Thái Tổ) có một rạp nhỏ. Các em nhỏ đi sinh hoạt CLB vui vô cùng, giải lao có kem que bồi dưỡng, hoặc tạt vào rạp xem văn nghệ người lớn. Như chương trình biểu diễn kịch câm của Đặng Dũng, có Ái Vân giới thiệu. Giọng nhẹ như bấc, động tác thỉnh thoảng mô phỏng kịch câm như “chàng”.

Đó là những năm cuối thập kỉ 70 của thế kỷ trước. Đặng Dũng - Ái Vân làm thành cặp đẹp nhất Hà Nội.

Cặp “đối trọng”: Cao Thắng - Như Quỳnh. Diễn viên điện ảnh Như Quỳnh, nổi lên nhờ Đến hẹn lại lên, Bài ca ra trận. Cao Thắng tiêu biểu lứa diễn viên xiếc tài năng đẹp đẽ. Sau, Cao Thắng ra nước ngoài sinh sống, chị Quỳnh lấy anh Bảo (Nguyễn Hữu Bảo).

Tôi có người bạn vong niên cũng nghệ sĩ có danh, nay ở tuổi U50, thú nhận xưa mê Đặng Dũng nghiêng ngả, suốt ngày lảng vảng cửa nhà chàng mong chạm trán.

Còn Ái Vân nhớ lại với một nụ cười: “Đẹp trai tài giỏi, học nước ngoài về, diễn viên kịch câm đầu tiên của nước mình, anh Dũng toàn người đẹp mê. Vân đến nhà anh ở Nguyễn Công Trứ, gặp Hồ Thiên Nga từ trong đi ra. Hồ Thiên Nga (diễn viên ballet) lúc đó cũng nổi tiếng tài sắc. Mình là người chiến thắng, và rồi cuối cùng lại thua...”.

Họ lấy nhau năm 79, chia tay năm 83. Đặng Dũng mắc chuyện nợ nần, đồn ầm cả Hà Nội. Ái Vân vừa được Giải thưởng lớn ở Dresden nhờ Bài ca xây dựng (Hoàng Vân) và Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế - bài hát Đức, nhưng “giai đoạn sóng gió cuối cùng, ai cũng xa lánh, nghi ngờ liệu có dính vào tiền bạc của anh ấy không.

Giữa lúc đó, anh Bình xuất hiện như một người hùng, cư xử rất đàn ông, mặc dù chuyện với chị Hồng (vợ cũ) chưa dứt hẳn. Gia đình ngăn cấm, nhưng mình nghĩ đời người phụ nữ lấy chồng một lần coi như đã xong”.

“Mình đâu đến nỗi hồng nhan gì lắm, mà đa truân thế” - Ái Vân trầm giọng. Trong gia đình nghệ sĩ Ái Liên, nghe đồn Ái Loan mới là người sắc nước nhất.

“Chị Loan năm đó 18 tuổi, chuẩn bị lấy chồng. Đã được phép nghỉ nửa tháng để làm đám cưới, chị vẫn cố cùng đoàn đi diễn cải lương ở một huyện thuộc Hải Dương cho vui, cho trọn vẹn. Đoàn đi xuống trước, chị đi xe xuống sau, được một đoạn thì đi bộ dưới trời nắng chang chang, thế là bị cảm nắng.

Lẽ ra chỉ cần uống cốc nước chanh và ít thuốc bổ sẽ giải cảm. Trong đoàn có chị diễn viên đã giải nghệ, đi học y tá 3 tháng. Công việc là cấp phát thuốc bổ, thuốc cảm cúm bình thường. Nhưng điều kiện đã khó khăn kiến thức y học lại kém, thuốc bị ẩm thỉnh thoảng đem ra phơi.

Thấy chị Loan bị cảm nặng bèn quyết định tiêm kháng sinh - tựa như Penicilin thẳng vào ven, mà không thử phản ứng. Rút kim tiêm ra là cấm khẩu ngay. Đưa vào bệnh viện Hải Dương cấp cứu, bác sĩ cho chuyển về Hà Nội. Xinh đẹp, hiền dịu, hiếu thảo, thương em út, bắt đầu nổi tiếng vì hát rất hay, thế mà chết oan. Nhà có hai “tạng”, một giống ba, một giống má. Chị Loan giống má - tài, sắc, đức đủ cả”.

Những năm cuối 80 sự nghiệp của Ái Vân đầy thuận lợi, tuổi đang độ chín. “Nhưng hoàn cảnh buộc mình phải như vậy. Vân được yêu, nhưng là kiểu tình yêu khó mà kham nổi...

Khoảng hai năm sau khi đi, Vân đón được bé Vũ sang. Giờ Vũ đã học đại học. Vân và bố của Vũ đối xử với nhau như những người bạn tốt, cũng phải lâu lâu sau khi đi mới được như vậy. Anh Bình có thêm hai con, có Trang là người vợ ngoan ngoãn. Nghĩ lại cũng khâm phục anh ấy, đã can đảm vượt qua khó khăn để có được vị trí như hôm nay”. (NSƯT Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ TƯ).

Năm 2002, đoàn nhà báo đi Mỹ, qua Cali bọn tôi được "buôn chuyện" nghệ sĩ, kiểu cách chẳng khác ở nhà. Các nhà văn Việt kiều San Jose kể, Ái Vân  giờ hạnh phúc lắm, anh Tiến là thương nhân, rất hiền. Họ có con gái Vân Anh hồi ấy lên 10.

Sau đó, chị về nước biểu diễn. Có cộng tác viên viết bài, đưa cả thông tin Ái Vân bệnh trọng. Rồi bây giờ gặp chị rạng rỡ thế này.

“Thật ra chị không muốn giấu, mà muốn đưa kinh nghiệm của mình để mọi người tham khảo. Ai chưa phát hiện bệnh thì phải đi khám thường xuyên, ai mắc sẽ có cách chữa. May Vân phát hiện bệnh sớm, cách nay 7 năm, nhờ chữa chạy và luyện Yoga đã khỏi hẳn rồi”.

Ái Vân ra đi hồi đó, nhiều người bảo dại: “Ở trong nước có phải hắt hơi sổ mũi ai nấy đều biết không”. “Người ta có số, có con đường, đến chỗ rẽ là phải rẽ. Mình đâu phải loại sắc sảo khôn ngoan, có khi còn hơi lờ đờ nữa, được thế này là tốt rồi.

Bởi sức người có hạn. Nghệ sĩ thì phải sóng gió một tí thật, nhưng đời mình toàn bão thôi. Từ năm 80 là bắt đầu, liên tục cho đến 10 năm sau. Bây giờ không giàu, không có tài sản lớn nhưng muốn làm cái gì là cũng có thể làm được. Con cái đã lớn, mình muốn làm công tác xã hội thêm”.

Chị đã kịp về mua nhà ở TPHCM, nơi ông Hà Quang Định ba chị hơn 90 tuổi còn minh mẫn, sống cùng Ái Xuân, Hà Quang Văn... “Thanh móm” tức Ái Thanh - cùng thế hệ Minh Hằng, Ngọc Huyền (Nhà hát Tuổi trẻ) thì vẫn ở Đức.

Chiều Hồ Tây lộng gió. Lớp trung cấp, đại học Nhạc viện HN của họ lại tụ tập:  Phúc “te” (Đặng Hữu Phúc), Phúc “khàn” (Cello), Hằng Clarinet, Đỗ Hồng Quân... Theo trí nhớ của Phúc "khàn", thuở sinh viên đi tập quân sự, mùi tất của người đẹp Vân rất “được” do cả tháng không giặt.

Còn "đương sự" thì nhớ: Luôn bị thầy giáo chê là ném lựu đạn như tự sát (nghĩa là gần quá, chắc do tay yếu), phải ra trận thật chắc “mất mông” vì khi bò, hay nhấp nhổm. Xa nhà lâu, hóa ra “gen ăn ốc” vẫn còn, ốc mít ốc vặn gẩy nhoay nhoáy. Thỉnh thoảng đanh đá xưng “bà” (Liệu ảnh có lên được không đấy, bà thì bà chửi cho)...

Nghe nhận xét “hạnh phúc quá khéo nhạt”, Ái Vân nghệt ra: “Vậy phải mặn đến đâu nữa. Quá nhiều nước mắt rồi”.

Lặng đi một lát, chị tiếp: “Cũng có những nỗi buồn tủi oan khuất trong lòng không thể bày tỏ cùng ai. Thôi thì đành cất vào ngăn như ngăn tủ, chỉ mình biết mà thôi...”.

Theo Dương Phương Vinh
Tiền Phong