1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

19 đoàn nghệ thuật thi tài tại LH nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I

(Dân trí) - Tối 5/6, tại TP Huế đã diễn ra lễ khai mạc “Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I”. Có tổng cộng 19 đoàn nghệ thuật đặc sắc đến từ trong cả nước tranh tài sôi nổi với hàng trăm nhạc cụ độc đáo suốt trong 6 ngày từ 5-10/6.

Chương trình được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) chủ trì, phối hợp tổ chức với Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế, Hội Nhạc sỹ Việt Nam nằm trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2012 khu vực Bắc Trung bộ được Huế đăng cai tổ. Liên hoan nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, là dịp để các nghệ sĩ thuộc các dàn nhạc sân khấu kịch hát truyền thống, các dàn nhạc dân tộc trong cả nước biểu diễn, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và bè bạn quốc tế, giáo dục và nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

19 đoàn nghệ thuật thi tài tại liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I
Các nghệ sĩ nhạc dân tộc của Nhà hát chèo Thái Bình trong cánh gà đang dạo lại nhạc trước khi lên sân khấu thi tài

Liên hoan lần thứ nhất rất đáng khích lệ bởi tinh thần và số lượng các đoàn tham gia. Quy tụ một lực lượng nghệ sĩ lớn và đầy tinh hoa trong lĩnh vực nhạc cụ dân tộc Việt Nam, liên hoan là một cuộc chơi đầy ý nghĩa nhằm truyền “lửa” cho người dân hiện đang ngày càng xa rời với thể loại nhạc của quê hương này.

Đặc biệt, liên hoan khuyến khích các đơn vị nghệ thuật xây dựng chương trình biểu diễn theo cấu trúc: có bài bản nhạc cổ - có bài bản nhạc cổ đã chỉnh lý và phát triển nâng cao - có tác phẩm được sáng tác mới dành cho độc tấu và hòa tấu dàn nhạc dân tộc. Các tác phẩm phải được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ truyền thống, không sử dụng dàn nhạc đệm được thu thanh trước.

Tại Trung tâm văn hóa TP Huế (hay còn gọi là rạp Hưng Đạo, trong suốt 6 ngày ròng rã vào 2 buổi cố định sáng và tối, 19 đoàn nghệ thuật sẽ tranh tài. Mỗi đoàn một vẻ đã tạo ra được tính đa dạng trong nhạc cụ Việt Nam cũng như cho khán giả có thêm những khám phá trải nghiệm vùng miền với nhiều dân tộc chung sống trong lãnh thổ đất nước. Các buổi diễn đều mở cửa tự do với mong muốn càng nhiều khán giả vào xem cổ vũ.


Khá đông khán giả đến xem trong đêm thi đầu tiên
Khá đông khán giả đến xem trong đêm thi đầu tiên

19 đoàn gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội; Nhà hát Tuồng Việt Nam; Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng); Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định); Nhà hát Chèo Việt Nam; Nhà hát Chèo Hà Nội; Nhà hát Chèo Hải Dương; Nhà hát Chèo Thái Bình; Nhà hát Cải Lương Việt Nam; Nhà hát Cải Lương Hà Nội; Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội; Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế; Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung Đình Huế; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Học viện Âm nhạc Huế; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Đội Thông tin, Văn nghệ KHMER (Bạc Liêu) và Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định.

Khá đông khán giả đến xem trong đêm thi đầu tiên
Đoàn chủ nhà Huế: Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đang biểu diễn nhạc cụ dân gian thời các vua Nguyễn

Ngay trong đêm khai mạc liên hoan, 2 đội là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung Đình Huế và Nhà hát Chèo Thái Bình đã trình diễn những ca khúc  tuyệt hay với nhạc cụ truyền thống như trống, đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, sáo, mõ, chuông...

Khá đông khán giả đến xem trong đêm thi đầu tiên
Nhà hát chèo Thái Bình trình làng nhiều ca khúc mượt mà làn điệu dân tộc có giai điệu nhẹ nhàng, mới mẻ

Đại Dương