Lập gia đình khiến người Việt Nam hạnh phúc hơn

(Dân trí) - Một nghiên cứu tại Việt Nam công bố mới đây cho thấy người kết hôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn, và thu nhập là một yếu tố quyết định quan trọng của hạnh phúc.

Kết quả nghiên cứu “Phát triển kinh tế và hạnh phúc: Bằng chứng từ nông thôn Việt Nam” cho hay: Tình trạng kết hôn khiến con người hạnh phúc hơn. Nhóm những người ly hôn hoặc sống ly thân không cảm thấy hài lòng với cuộc sống nhất. Tác động này có thể đặc biệt quan trọng ở nông thôn Việt Nam, nơi rất đề cao các giá trị về gia đình.

Ng
Người lập gia đình thấy hạnh phúc hơn những người sống đơn thân (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu này cho thấy, 45% người ở nông thôn khá hài lòng với cuộc sống và 42% không hài lòng với cuộc sống. Số người cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống chiếm 7% trong khi đó 6% không hài lòng một chút nào với cuộc sống.

Tuy nhiên, GS Finn Tarp, thuộc trường Đại học Copenhagen cho rằng: Như ở hầu hết các nghiên cứu khác về hạnh phúc, kết hôn có tác động tích cực và lớn tới hạnh phúc. Điều đó có nghĩa người lập gia đình hạnh phúc hơn so với người không lập gia đình. Tuy nhiên với các gia đình đang trên bờ vực đổ vỡ, việc chia tay có lẽ khiến họ hạnh phúc hơn là tiếp tục chung sống.

Thu nhập của bản thân có tác động rất tích cực đối với hạnh phúc. Ở nhóm có thu nhập cao nhất, 70% người được hỏi trả lời “khá” hoặc “rất” hài lòng với cuộc sống của mình. Ở nhóm thu nhập thấp, tỷ lệ tương ứng chỉ là 40%.

Nghiên cứu cũng nhận thấy tác động tích cực quan trọng của sức khỏe, giáo dục và quản lý rủi ro đối với hạnh phúc, những yếu tố có thể dễ dàng đạt được khi thu nhập tăng.

Điều này có nghĩa, việc tăng thu nhập sẽ làm tăng hạnh phúc nếu đi kèm với cải thiện sức khỏe, giáo dục và rủi ro, GS Tarp nhận định.

Phân tích cũng chỉ ra tác động tiêu cực của việc làm thuê không bị chi phối ở một ngành cụ thể nào hay trình độ của lao động. Khi thu nhập được kiểm soát, lao động nông nghiệp trên đồng ruộng của mình hạnh phúc hơn so với lao động làm thuê và người làm kinh doanh.

Tác động tiêu cực được nhận thấy ở tất cả các ngành và với cả lao động có và không có kỹ năng. Điều này rất đáng quan tâm bởi trong thời gian tới sẽ có hàng triệu người Việt Nam chuyển từ lao động thuần nông sang làm thuê. Trong khi đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, kết quả nghiên cứu cho thấy nó sẽ kéo theo những chi phí tâm lý nhất định. Nguyên nhân cụ thể chưa rõ ràng, nhưng việc mất tự chủ hơn, và có thể là việc mất địa vị xã hội, có thể là một trong những lý do của xu hướng này.

Nghiên cứu cũng cho thấy người dân tộc thiểu số ít hạnh phúc hơn nhiều so với người dân tộc kinh. Những người là Đảng viên có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn. Tuổi tác, tình trạng hôn nhân, mạng lưới và các cú sốc cũng là những yếu tố quyết định hạnh phúc.

Các kết quả này khá giống với các nghiên cứu ở các nước giàu ở phương Tây như thu nhập, tuổi, sức khỏe, học vấn, tình trạng hôn nhân và mạng lưới xã hội. Như vậy điều này hàm ý các giá trị của người nông dân Việt Nam có những tương đồng nhất định với các giá trị của người dân ở Copenhagen hay New York. Những giá trị cốt lõi không phải là của riêng “phương Tây” hay “phương Đông”, thuộc “truyền thống” hay “hiện đại” mà mang tính chung, phổ biến.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những đề xuất chính sách trong thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ làm tăng thu nhập của người dân, cần có chính sách đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động và tăng tính tự chủ ở nơi làm việc; cần có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế với các dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu “Phát triển kinh tế và hạnh phúc: Bằng chứng từ nông thôn Việt Nam” được công bố ngày 21/11 tại Hà Nội. Nghiên cứu này do nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch), Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER), Đại học Helsinki (Phần Lan), và Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD thực hiện dựa trên Điều tra Tiếp Cận Nguồn Lực Hộ Gia Đình (VARHS) 2012.

VARHS 2012 được thực hiện bằng cách phỏng vấn 3.700 hộ gia đình ở khu vực nông thôn các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đăc Lắc, Đắc Nông, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, và Long An từ tháng 6-7/2012. 

Thảo Nguyên