“Chữ Nhà trang trọng lắm và thương yêu vô cùng”

Với người Việt, chữ nhà trang trọng lắm và thương yêu vô cùng! Nhà không phải là một hình thức vật chất có tường, có nóc, mà nhà mang giá trị tinh thần gắn bó với phần đời, phần hồn của mỗi con người. Người Việt Nam có câu “an cư lạc nghiệp”.

Khi con người trưởng thành, chẳng những “nên danh nên phận” mà còn phải “nên cửa nên nhà”. Nhà là nơi để người ta chiêm ngưỡng, là không gian để sống chứ không đơn thuần là để ở.

Cũng là nhà, nhưng nơi để Ban hội tề bàn chuyện làng, người ta gọi là nhà làng; nơi dành để trang trọng tiếp khách, người ta gọi là nhà khách; khi nói đến nơi dọn bán thức ăn sang trọng, dùng danh từ nhà hàng. Nhà được trang trọng dùng theo hàm nghĩa tôn vinh, dành cho một con người, hay một đoàn thể. Với người làm thơ hay, người ta gọi là nhà thơ; người viết văn giỏi lại gọi là nhà văn; dạy dỗ học trò nên người thay vì gọi là thầy giáo, người ta kính trọng mà tôn xưng thành nhà giáo…

Và một điều nữa, nhà tôi cũng là cách gọi trìu mến, yêu thương vô cùng dành cho người bạn đời đầu ấp tay gối với ta. Như thế, nhà không còn là từ chỉ một khối vật chất nữa, mà còn là một phạm trù tình cảm, phạm trù văn hoá đối với người Việt mình.

“Chữ Nhà trang trọng lắm và thương yêu vô cùng” - 1
GS. Trần Văn Khê

Riêng nhà tôi. Thuở nhỏ nhà nghèo, nền đất, lợp lá, vách tre..., nhưng suốt cuộc đời tôi, mỗi nhớ về ngôi nhà đó, tôi đều thấy rưng rưng nước mắt. Tôi nhớ rất kỹ hồi nhỏ mình như thế nào, nhà mình có những ai. Ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm thương yêu làm tôi không thể nào quên được.

Sau nhà có cây mận và mấy khóm xương rồng. Anh em tôi đi học xa, mỗi lần về nhà lại viết lên lá xương rồng những lời thương yêu, nhắn nhủ, nhắc nhở, những câu thơ, văn vụng về. Lá khô đi nhưng những dòng chữ vẫn nguyên vẹn, đứa này về lại đọc được lời nhớ của đứa kia gửi lại. Căn nhà đó cũng là nơi lần đầu tiên cho tôi hiểu thế nào là sức mạnh của nghệ thuật Cha tôi thuở đó là một danh cầm và cũng có một số bạn đồng điệu...

Khi nào có cô Sáu Ngọc ở làng Kim Sơn đến Vĩnh Kim, ca bài Tứ Đại Oán mà Ba tôi đờn kìm dây Tố Lan phụ họa, thì đông đảo người làng đến nghe chật nhà. Tiếng ca hay quá, mọi người mê mãi nghe đến độ… quên cả việc họ đang dựa vào bức vách tre, đến làm đổ vách!!!

Tôi ngạc nhiên về sức hấp dẫn của dòng nhạc dân gian. Cũng trong căn nhà đó, tôi hiểu thế nào là sanh li tử biệt, là tình cảm ruột thịt thân thương. Tôi nhớ rõ dáng ông nội tôi. Ông cháu thương nhau lắm, đến nỗi, khi ông mất đi, tôi đứng bên bàn thờ khóc suốt ba ngày. Gia đình bắt buộc phải gởi tôi lên Sài Gòn cho nguôi nhớ. Nhà đó cũng là nơi cũng là nơi tôi chứng kiến sự chào đời của đứa em trai: Trần Văn Trạch. Cả thời ấu thơ anh em tôi làm gì cũng chung với nhau: từ khi ăn, lúc ngủ, thậm chí lúc đi… cầu tiêu.!! Cũng tại nhà đó tôi đã tiễn cha và sau đó là Cô Ba tôi về nơi chín suối, với nỗi đau xé lòng không tả xiết…

Có quá nhiều yêu thương và tử biệt ở nơi ấy, nên mỗi khi nghĩ về, bao nhiêu tình cảm trong tôi thật sống động, đẹp đẽ và trìu mến. Ngày rời nhà ra đi, tôi đã lặng nhìn rất lâu. Rồi suốt quãng đời sống bên Pháp sau này, tôi chỉ có một lần được trở về nhìn lại ngôi nhà đó. Bây giờ, nó không còn dấu vết gì, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức của tôi.

Cách đây 3 năm, Tp.HCM đã trao tặng cho tôi ngôi nhà mơ ước này. Nói là ngôi nhà mơ ước vì căn hộ của tôi bên Pháp nằm trên tầng 9, mở cửa ra là thấy cầu thang sâu hun hút, trong khi trong tiềm thức, tôi mong ước một căn nhà mà mở cửa ra, mình được “đầu đội trời, chân đạp đất”. Về đây, tôi thực hiện được mong ước đó rồi. Hơn nữa, với ngôi nhà này, tôi còn có thể “phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối”, đúng như ngôi nhà truyền thống của người Việt mình, có đủ không gian để làm việc, để sinh sống, để thư giãn, có nơi để truyền đạt những tư tưởng của tôi với người khác. Ngôi nhà ước mơ đã biến thành hiện thực, nên dầu chỉ mới ở đây 3 năm thôi, tôi thấy rất yêu quý, gần gũi nó lắm rồi. Trong ngôi nhà này, có con cháu trong gia đình vui vầy, học trò đến học, bạn bè thân hữu hàn huyên, tâm sự bao nhiêu khách quý đã đến. Nó đối với tôi không còn là nhà ở nữa, mà là một phần của nguyện vọng, một góc của cuộc đời tôi.

Theo tôi, nếu như căn nhà dầu đẹp, nhưng chỉ đơn thuần là tường, là mái, là khối vật chất, thì sẽ không đủ để được gọi là nhà. Trong văn hóa, nghệ thuật ngoại hình phải đi đôi với nội dung, có xác, thì phải có hồn. Những căn nhà của tôi mang lại và lưu giữ từng phần hồn của cuộc đời tôi cũng như tất cả dĩ vãng của tôi. Tôi nhớ thương dĩ vãng, nhưng không nuối tiếc với dĩ vãng. Tôi chỉ vui sống với hoàn cảnh hiện tại và cảm thấy rất hạnh phúc. 
 

“Chữ Nhà trang trọng lắm và thương yêu vô cùng” - 2

 Bởi những ý nghĩa trang trọng và thương yêu của chữ Nhà, blog http://360.yahoo.com/toi_yeu_nha_toi do sơn Dulux 5in1 xây dựng, mong muốn chia sẻ những tình cảm thân thương nhất của mọi người dành cho ngôi nhà và giới thiệu những thông tin hữu ích giúp làm đẹp cho “nhà yêu” của bạn.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm