Yêu cầu khách cách ly, test liên tục: Cửa du lịch chỉ "hé" chứ chưa "mở"

Hà Trang Khôi Vũ

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu đề xuất yêu cầu khách quốc tế cách ly 72 giờ khi nhập cảnh của Bộ Y tế được thông qua thì sẽ rất khó đón được khách, cửa du lịch cũng chỉ "hé" chứ đâu phải là "mở".

Mới đây, Bộ Y tế có phúc đáp về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó đề nghị bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan việc phòng chống Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất công nhận kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp test nhanh trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh và trong vòng 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR.

Đáng chú ý, Bộ Y tế quy định du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh. Kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận.

Với quy định sau nhập cảnh, dự thảo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất du khách ở tại nơi lưu trú trong 24 giờ và xét nghiệm nCoV. Sau khi có kết quả âm tính, có thể tự do du lịch.

Tuy nhiên, với các nội dung của Bộ Y tế đề xuất, theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, đang theo hướng siết chặt hơn với khách quốc tế. Điều này trái ngược với tinh thần mở cửa hoàn toàn du lịch trước đó.

Yêu cầu khách cách ly, test liên tục: Cửa du lịch chỉ hé chứ chưa mở - 1

Với các nội dung của Bộ Y tế đề xuất, theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, đang theo hướng siết chặt hơn với khách quốc tế. (Ảnh: Thanh Thúy).

Chia sẻ với Dân trí, nhiều doanh nghiệp đồng thuận rằng, ngày 15/3 chỉ là thời điểm thực hiện việc mở cửa, chưa thể có khách vào ngay.

Khách quốc tế thường lên kế hoạch cho các chuyến đi rất kỹ lưỡng, có thể đến tháng 4, tháng 5  thậm chí tháng 7, tháng 8 họ mới đặt chuyến đi. Điều cần thiết là phải có một mốc thời gian, thống nhất về quy định để khách có thông tin, quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. 

Từ nay đến mốc 15/3 cũng không còn quá nhiều thời gian nếu đến thời điểm này chúng ta vẫn còn lấn cấn, chưa thống nhất các quy định thì chẳng khác nào tạo thêm rào cản, làm khó du khách, đánh mất cơ hội cho các nước bên cạnh. Doanh nghiệp cũng lúng túng, vướng trong ma trận thủ tục mà không biết nên thông báo, chào bán tour với các đoàn khách như thế nào?

"Tại sao lại làm chặt chẽ cho người nước ngoài mà người Việt Nam nhập cảnh thì đã mở ra rất nhiều? Chúng ta đã mở cửa du lịch, chào đón du khách thì không nên tạo ra các rào cản để họ cảm thấy không thoải mái", ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtours nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, không nên phân biệt khách nước ngoài với khách trong nước. Quy định nhập cảnh cho người Việt Nam như thế nào thì cũng nên áp dụng cho người nước ngoài như vậy. Thực tế không có "virus quốc tế" và "virus quốc nội" nên chúng ta cũng không nên phân biệt. Việc cách ly không chỉ gây phiền hà cho khách mà còn khiến các đoàn khách cảm thấy họ bị phân biệt, đối xử.

Ông Hoan cũng đồng ý cho rằng, mốc 15/3 chỉ là thời điểm đánh dấu việc mở cửa còn để đón được khách quốc tế lại là câu chuyện còn đầy "gian nan".

Yêu cầu khách cách ly, test liên tục: Cửa du lịch chỉ hé chứ chưa mở - 2

Với nhiều đoàn khách ở thị trường Đông Nam Á và Châu Á nếu thời gian cách ly lâu họ sẽ không có điều kiện tham quan các cảnh đẹp khác. (Ảnh: Toàn Vũ).

Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi, đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng số chuyến bay quốc tế mới đạt gần 10% so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia vẫn hạn chế nhập cảnh hành khách từ Việt Nam để phòng chống dịch. Việc này dẫn đến tần suất các chuyến bay ít, giá vé bị đẩy lên cao, việc sắp xếp lịch trình cho khách cũng khó khăn hơn rất nhiều.

Chưa kể, sau 2 năm dịch bệnh, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ ở các khách sạn, resort bị ảnh hưởng rất nhiều, nhân sự trong ngành cũng thiếu hụt trầm trọng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, thì dù Việt Nam có mở cửa cũng khó lòng cạnh tranh được với các thị trường lân cận. 

"Việc thống nhất thời gian mở cửa mới chỉ là một bước, còn rất nhiều khâu, việc phải làm để Việt Nam đón được khách quốc tế. Vì thế, trước mắt tôi cho rằng các thủ tục cần phải sớm thống nhất, thông thoáng, tạo điều kiện để khách vào Việt Nam cảm thấy thoải mái nhất cũng để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đón khách tốt nhất", ông Hoan nêu quan điểm.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng giám đốc Du lịch Vina Phú Quốc, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, nếu yêu cầu cách ly 72 tiếng của Bộ Y tế được thực thi thì rất khó cho các doanh nghiệp đón được khách.

Với nhiều đoàn khách như thị trường Hàn Quốc, khách thường có thời gian lưu trú ngắn chỉ khoảng 4 ngày, nếu 3 ngày phải cách ly trong khách sạn, resort thì thời gian đâu để khám phá, tham quan các cảnh đẹp khác. Việc đón khách quốc tế cũng sẽ bị chậm lại.

"Nếu khách xuống sân bay đã tiêm đủ vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính thì tôi nghĩ không cần thiết cách ly nữa. Nếu vẫn lấn cấn, chúng ta cũng có thể cho khách tham quan các tour khép kín, cách biệt như cách làm của các đoàn khách theo hộ chiếu vaccine trước đây. Tức là khu vực họ tham quan hoàn toàn khác đi, không có đoàn khách nội để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Huy đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quốc Đại, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam - đơn vị chuyên thị trường khách Nga cho biết, với các đoàn khách Nga thường có thời gian lưu trú dài ngày từ 7-15 ngày, đa phần là 10 ngày, nếu áp dụng quy định của Bộ Y tế góp ý thì khách không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, với các thị trường khác nhất là ở các quốc gia Đông Nam Á hay Châu Á, họ thường chỉ đi du lịch thời gian ngắn.

Nếu yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 hàng ngày và cách ly 72 giờ thì bất hợp lý. Trong khi thị trường khách này rất lớn, quan trọng.

"Nếu chúng ta không có chính sách mở cửa phù hợp, chúng ta sẽ đánh mất thị trường khách này vào một số quốc gia khác như Thái Lan chẳng hạn. Tôi nghĩ đây là điều đáng tiếc", ông Đại nêu quan điểm.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, thực tế dù rất mong muốn, sốt ruột đến mốc 15/3 mở cửa toàn bộ du lịch, song thời điểm này đa phần các doanh nghiệp Việt vẫn trong trạng thái "nín thở" chờ đợi, nghe ngóng thông tin chứ chưa nhiều đơn vị dám mạo hiểm chào bán tour cho khách.

"Chúng tôi vẫn trong trạng thái sẵn sàng nhưng đến giờ thủ tục còn chưa thống nhất, nếu mình thông báo cho khách một kiểu, khi nhập cảnh vào Việt Nam lại thực hiện một kiểu khác thì rất mất uy tín, khách cũng sẽ bức xúc, thậm chí chúng tôi còn phải bỏ tiền ra để đền bù", đại diện một doanh nghiệp du lịch có trụ sở ở Hà Nội nói.