Sóc Trăng:

Xuân về dạo chơi trên những vườn chim

(Dân trí) - Sóc Trăng không có các vườn chim lớn như các địa phương khác nhưng lại là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc cư trú, sinh trưởng và phát triển của các loài chim.

Trước hết, ngay tại cửa ngõ của tỉnh Sóc Trăng có vườn cò Hậu Bối tọa lạc tại số 1/1 ấp Hậu Bối, xã Đại Hải, huyện Kế Sách được nhiều người biết đến. Vườn này do gia đình ông Trương Tấn Sinh làm chủ, bảo vệ và khai thác. Vườn cò này được thành lập tự nhiên vào năm 1960. Tổng diện tích đất là 35.000 m2, trong đó đất vườn cò khoảng 9.000 m2.

Vườn cò Hậu Bối nằm trong vùng chuyên canh lúa và vườn cây ăn trái. Vườn cò được gia đình bảo vệ nghiêm ngặt hầu như không bị người dân xung quanh bắn phá. Theo tìm hiểu trong quá khứ vườn cò này có vài lần số lượng suy giảm rất lớn nhưng trong những năm gần đây số lượng gia tăng đều và ổn định với số lượng lớn nhưng số lượng loài thì giảm đáng kể. Qua khảo sát, các nhà khoa học phát hiện ở vườn chim này có 5 loài chim nước là cò ngàng nhỏ, cò ruồi, vạc, cốc đen, cò bợ,... Trong đó có 3 loài có số lượng số lượng lớn là cò ngàng nhỏ, cò ruồi và vạc.

Những vườn cò ở Sóc Trăng là những nơi du lịch sinh thái hấp dẫn. 
Những vườn cò ở Sóc Trăng là những nơi du lịch sinh thái hấp dẫn. 

Về huyện Mỹ Xuyên, du khách sẽ được giới thiệu đến tham quan vườn cò Trung Hòa tọa lạc ở ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, do gia đình ông Lâm Văn Huy quản lý. Vườn cò này được thành lập tự nhiên vào năm 1957, đầu tiên là các loài diệc đến ở và làm tổ, từ đó các loài cò về ngày càng nhiều, diện tích vườn cò khoảng 40.000 m2.

Qua khảo sát của các nhà khoa học, vườn cò Trung Hòa có hệ chim đa dạng, gồm các loài có số lượng lớn như cò ngàng nhỏ, cò ruồi, vạc, cốc đen. Những loài có số lượng ít như diệc xám, diệc lửa, quắm đen, quắm đầu đen (đây là loài sắp bị đe dọa tuyệt chủng), cốc đế nhỏ...

Cổng vào vườn cò Tân Long.
Cổng vào vườn cò Tân Long.

Tại huyện Thạnh Trị, vườn cò Tân Long đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người. Vườn cò này do gia đình ông Huỳnh Văn Mười làm chủ, bảo vệ và khai thác du lịch tọa lạc tại địa chỉ 203 tỉnh lộ 42, ấp Tân Bình, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm. Vườn cò được thành lập tự nhiên vào năm 1975, với diện tích 10.000 m2.

Vườn cò nằm trong vùng sinh cảnh cánh đồng ngập lũ. Hiện nay vườn cò được nhiều người biết đến như là một địa điểm du lịch sinh thái. Các loài chim nước chủ yếu là cò ngàng nhỏ, cò ruồi, vạc,...Đặc biệt là có khoảng 20 cá thể cò ngàng nhỡ (đây là địa điểm duy nhất ở Sóc Trăng còn thấy cò ngàng nhỡ).

Toàn cảnh vườn cò Tân Long.
Toàn cảnh vườn cò Tân Long.

Còn tại thành phố Sóc Trăng, có lẽ ít người biết rằng, nằm trong khuôn viên trụ sở của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại có một vườn chim với đủ các loại chim quý, với diện tích khu đất rộng trên dưới 10.000m2. Đó là một vùng đất cực kỳ yên tĩnh, có hồ nước chạy dài suốt khu đất và rất rộng, trên mặt hồ có rất nhiều bèo (lục bình), xung quanh cây cối um tùm, xanh tươi suốt năm.

Vườn chim này là thành quả của những ngày cán bộ chiến sĩ chăm sóc, bảo vệ hết sức chu đáo. Ở đây có nhiều loài chim quý như nhan sen, vịt trời (le le), cò, vạc.. Được biết, vườn chim này có khoảng 30 loài với hàng ngàn con, trong đó nhiều nhất vẫn là cò, vạc. Điều thuận lợi cho vườn chim này so với những vườn chim ở nơi khác là nằm ngay trong khu vực quân sự nên ít ai dám vào săn bắn hay phá phách.

Những vườn chim ở Sóc Trăng đã tạo nên vẻ đẹp của cảnh quan, đồng thời cho thấy môi trường của vùng đất này khá lành nên chim về đậu. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là cần phải có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và địa phương trong việc giữ gìn, bảo vệ an toàn cho các vườn chim này.

Cao Xuân Lương