Xích lô điện ở Nha Trang: "Ngồi khóc" vì không có 7,5 triệu vay nóng
Dưới chân cầu Trần Phú (TP. Nha Trang, Khánh Hòa), trong dòng xe thưa thớt, 4 chiếc xích lô đang lao lên. 3 chiếc trong số đó, mỗi chiếc đều có từ 2 - 3 khách nhưng vẫn lao lên vun vút. Chiếc còn lại, chỉ 1 khách trên xe nhưng người điều khiển phải xuống đẩy xe lên cầu...
7,5 triệu đồng phải vay nóng của xã hội đen
Họ đi ngang qua tôi, hết một con dốc cao nhưng người nào cũng tươi tỉnh. Trên mặt họ không có nét nào biểu lộ sự mệt nhọc. Chẳng mấy chốc họ đã vượt qua cầu.
Trong khi đó, chiếc xe còn lại đã lên tới đỉnh cầu. Người cầm lái mồ hôi nhễ nhại mặt anh đỏ gay...
Sau khi trả khách, anh kéo xe vào một gốc cây ngồi nghỉ. Anh nhìn tôi, đưa tay lau mồ hôi trên má và nói: "Mệt lắm nhưng cũng phải cố thôi".
Rồi anh nói tiếp: "Nghề lái xe xích lô bây giờ khó làm ăn lắm. Xe ôm, taxi nhiều quá mình cạnh tranh không được. Chỉ riêng xích lô thôi mình cũng đã thua rồi. Hiện nay tại Nha Trang đã có đến 65% xích lô chạy điện. Những chiếc xích lô điện này nhanh hơn và người lái không cần dùng sức.
Theo đó, hơn một năm trước, tai Nha Trang xuất hiện loại xích lô nhỏ chạy điện dành cho trẻ em thuê chơi. Sau đó có người nảy sinh sáng kiến áp dụng vào chiếc xích lô đang chạy. Vậy là xích lô điện ra đời.
Từ đó đến nay đã có khá nhiều xe cải tiến. Chiếc xích lô điện có nhiều ưu điểm như chạy nhanh hơn, chở nhiều khách hơn, tiêu hao nhiên liệu ít. Anh nghĩ xem, dốc Cầu Đá cao đến thế mà xích lô điện vẫn vượt qua".
Hóa ra chiếc xích lô tôi nhìn thấy khi vượt cầu Trần Phú chính là những chiếc xích lô điện. Bây giờ tôi mới hiểu tai sao họ qua cầu một cách bình thản như thế trong khi đồng nghiệp của họ nhễ nhại mồ hôi đẩy xe lên dốc.
Tôi hỏi anh, sao không cải tiến lại chiếc xích lô anh đang chạy cho đỡ nhọc nhằn. Anh cười cho biết: "Tôi suốt ngày ngoài đường. Vợ tôi ngày 2 buổi bán cá ngoài chợ. Thu nhập của cả 2 vợ chồng cũng chỉ đủ tạm nuôi 3 đứa con nhỏ. Chúng tôi lấy đâu ra 7,5 triệu để ráp máy điện cho xe?".
Anh nói tiếp: "Muốn có số tiền này phải đi vay nóng của xã hội đen. Tôi thì không thể vay kiểu đó nên phải cố gắng đạp thôi...".
Màu áo vàng trên phố Nha Trang
"Hình ảnh một người gò lưng, mồ hôi nhễ nhại đạp xe đã làm cho nhiều du khách không vui. Trong khi đó, sức lực chúng tôi càng lúc cạn dần theo tuổi tác. Chiếc xe đạp điện ra đời đã đáp ứng được những gút mắc đó", ông Hoàng Văn Trí, tổ trưởng Tổ 4, Đội xích lô xe ôm tự quản phường Lộc Thọ cho biết.
Ông Trí làm nghề xích lô đã nhiều chục năm nay. Ông nói, chiếc xích lô điện rất đơn giản. Nó được cải tiến từ chiếc xe đạp điện, toàn bộ các cấu trúc đều lấy từ đó.
Ông chỉ cho chúng tôi xem, phần bánh sau đã được thay thế bằng một mâm động cơ điện. Các nút điều khiển được đặt ngay tay lái. Dưới ghế ngồi của khách là nơi chứa 4 bình điện 27 ampere đủ chạy khoảng 40km mới phải nạp lại.
Ông Trí cho biết thêm, chỉ cần 2 ngày là ráp xong một chiếc xích lô điện. Thợ ráp - hiện nay mới chỉ có một người ráp ở xóm Lò Heo (P. Vạn Thạnh) - đã từng gợi ý dùng IC 800 xe chạy rất mạnh nhưng chúng tôi không đồng ý chỉ dùng loại 500. Loại này có thể chậm hơn, yếu hơn nhưng an toàn cho khách.
Từ ngày có xích lô điện, chúng tôi có khách nhiều hơn trước. Một phần nhờ những đặc tính hoàn hảo của xe một phần cũng nhờ những tiện ích như thế giúp chúng tôi ít đổ mồ hôi hơn nên giá chở khách cũng hạ nhiều.
Hiện nay, mỗi phường đều có đội tự quản xích lô. Đội chúng tôi được trang bị đồng phục áo vàng và phù hiệu trên cánh tay.
Nhờ có tổ chức chúng tôi làm ăn có hiệu quả hơn, đồng thời sự hiện diện của chiếc áo vàng đã không ít lần làm cho những phần tử xấu như trộm cắp, cướp giật e dè".
Ông cũng nhấn mạnh: "Tại Sài Gòn xích lô bị cấm. Có thể một lúc nào đó, xích lô Nha Trang cũng không còn hoạt động. Nhưng với chúng tôi, còn được chạy ngày nào mừng ngày ấy, để kiếm gạo nuôi con ...".
Theo Vietnamnet