Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm du lịch vùng ĐBSCL
(Dân trí) - Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định, trong 5 năm tới, du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh Bạc Liêu hướng đến là trở thành trung tâm du lịch vùng ĐBSCL.
Theo Tỉnh ủy Bạc Liêu, 5 năm qua (2010 - 2015), các dự án về phát triển du lịch được tỉnh triển khai thực hiện tích cực. Nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả khá tốt như: Đền thờ Bác Hồ, Di tích lịch sử Đồng Nọc Nang, Di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu vui chơi giải trí công viên Trần Huỳnh, Cụm danh thắng Quảng trường Hùng Vương, Khu Quán Âm Phật đài, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu,…đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khá đông du khách tham quan.
Các điểm du lịch khác như: Nhà thờ Tắc Sậy, Chùa Xiêm Cán, Lăng Cá Ông Nam Hải, Vườn chim Bạc Liêu, Khu du lịch sinh thái Vườn nhãn, Cây xoài di sản hơn 300 năm tuổi, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Bãi tắm nhân tạo,…cũng đã, đang được khai thác hiệu quả, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, thời gian qua lượng khách đến Bạc Liêu ngày càng cao, bình quân hơn 20%/năm. Trong 5 năm qua, ước tính có gần 5 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh Bạc Liêu. Riêng năm 2015, ước có khoảng 1,1 triệu lượt khách, trong đó có trên 35.000 lượt khách quốc tế.
Tỉnh Bạc Liêu cũng được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là 1 trong 5 địa phương trọng điểm về du lịch vùng. Đặc biệt, tỉnh có 6 sản phẩm du lịch được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL, gồm: Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trưởng Hùng Vương, Khu du lịch Nhà Mát, Khu nhà Công tử Bạc Liêu (trong đó riêng TP Bạc Liêu có đến 5 điểm), chiếm gần 1/3 sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và tỷ trọng dịch vụ - du lịch của tỉnh.
Qua thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của lĩnh vực du lịch giai đoạn 2010 - 2015 là 1.429,21 tỷ đồng, chiếm 2,04% GRDP của tỉnh. Dự kiến năm 2015, GRDP du lịch đạt 380 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010 và chiếm 2,48% GRDP của tỉnh.
Trong 5 năm tới (2016 - 2020), tỉnh Bạc Liêu cho biết, sẽ tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch mà tỉnh có lợi thế. Xác định kinh tế du lịch là khâu đột phá mà tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, để đạt mục tiêu trên, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các công trình, các sản phẩm du lịch, các khu vui chơi, giải trí chất lượng; tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư nâng cấp các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, dịch vụ, thương mại, khách sạn theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước; hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm, khu du lịch như Tắc Sậy, Quán Âm Phật đài, Lăng Cá Ông, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tuyến ven biển…; xây dựng TP Bạc Liêu trở thành thành phố du lịch, trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử; phấn đấu 5 năm tới xây dựng 5 sản phẩm du lịch trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng ĐBSCL.
Huỳnh Hải