Vượt đại dịch Covid-19, ngành du lịch sẽ sớm "đón bình minh"
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 khiến du lịch tê liệt, như một ván bài "xóa đi đánh lại" nhưng cũng là cơ hội cho ngành du lịch hoạch định con đường phát triển mới, phù hợp với xu thế.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo du lịch năm 2021 "Du lịch Việt Nam - hội nhập và phát triển", chiều 25/12, diễn ra phiên toàn thể .
Dự hội thảo có ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo, đại diện các Bộ, ngành trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội thảo từ điểm cầu Văn phòng Chính phủ.
Từ điểm cầu trung tâm tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), chương trình được kết nối trực tuyến tới 19 điểm cầu ở các địa phương.
Yêu cầu cấp thiết
Ngành du lịch chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh mới, xu hướng du lịch cũng đã có những dịch chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch cũng như đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Phục hồi và phát triển du lịch trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh bình thường mới với mục tiêu sẽ đóng góp khoảng 12-14% GDP, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp được đặt ra tại Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm khôi phục và phát triển du lịch sau 2 năm gần như bị tê liệt do dịch Covid-19. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, ngành du lịch đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để sớm đưa ngành du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển xứng đáng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới các giải pháp cần nghiên cứu xây dựng theo hai bước, trong đó ngắn hạn nên tập trung cho quá trình phục hồi sau đại dịch và dài hạn tập trung cho các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và phát triển ổn định, bền vững.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần khuyến khích phục hồi du lịch nội địa trước dịp Tết và đầu năm 2022, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Đồng thời, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể gắn với từng lĩnh vực du lịch trong kế hoạch trung hạn và dài hạn, cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch.
Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khả năng lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, do đó chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú phải bám hướng dẫn của Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch chi tiết, nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch và lao động ngành du lịch.
Đến thời điểm này, Bộ Ngoại giao đã công nhận hộ chiếu vaccine của 77 quốc gia và đang đề nghị các quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam
Du lịch là ngành mũi nhọn nhưng sao chưa "nhọn"?
Tại hội thảo, các đại biểu đã được đại diện các địa phương chia sẻ kinh nghiệm vượt qua đại dịch, kế hoạch khôi phục ngành du lịch. Đồng thời nhiều ý kiến, kiến nghị cũng đã được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn để ngành du lịch có thể bứt phá và phát triển bền vững trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 vẫn đang là mối nguy cơ lớn.
Theo bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đạt được tăng trưởng du lịch như trước dịch là thách thức lớn đối với Thành phố. Khôi phục hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với riêng ngành du lịch mà còn tác động đến sự phát triển của nhiều ngành khác. Muốn đạt được mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của Thành phố, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Trung ương.
Là một trong 5 địa phương được phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất mở rộng phạm vi đón khách quốc tế, mở rộng đón khách cả bằng đường bộ và đường biển; các địa phương được lựa chọn doanh nghiệp đón khách quốc tế; hỗ trợ và cho phép các đơn vị cung ứng du lịch tham gia thí điểm và cần có sự thông thoáng, thuận tiện hơn về thủ tục hành chính...
Chuyên gia Trần Đình Thiên đặt câu hỏi "vì sao du lịch được xác định là mũi nhọn nhưng thực sự chưa "nhọn"?. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam có tinh thần "sẵn sàng làm bạn" với tất cả các nước, có bản sắc văn hóa mang tính bạn bè cực kỳ cao nhưng lại chưa chuyển hóa được thành sức mạnh trong du lịch.
"Tinh thần sẵn sàng làm bạn nhưng thủ tục đón bạn bè phức tạp quá, như kiểu muốn người ta đừng vào. Thứ 2 là văn hóa kinh doanh đối với khách du lịch hiện vẫn đang mang tinh thần kiếm chác, gỡ gạc từng đồng. Hai vấn đề này cần phải thay đổi, thân thiện phải thực chất", ông Trần Đình Thiên chỉ rõ.
Du lịch Việt Nam phải thay đổi về tư duy, cấu trúc, đúng thời, đúng thế và đúng khát vọng của đất nước. Du lịch là ngành mang tính liên kết, kết nối cao nhưng thực tế các địa phương đang mạnh ai nấy làm, chưa có liên kết vùng, liên kết nhóm. Hình thành các cụm du lịch liên kết vùng, gắn với hạ tầng giao thông trở thành yêu cầu đối với phát triển và nâng giá trị du lịch của từng địa phương.
"Mỗi tháng cần có một sự kiện du lịch mang tầm cỡ quốc tế, kéo du khách thế giới đến với Việt Nam như lễ hội pháo hoa Đà Nẵng", ông Trần Đình Thiên gợi ý.
Bà Trần Nguyện (Tập đoàn Sun Group) cho rằng dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch như một ván bài "xóa đi đánh lại" nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta hoạch định lại ngành du lịch. Cùng với xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, thêm nhiều công trình có tính điểm nhấn, mang thương hiệu, xây dựng văn hóa du lịch, thay đổi cung cách phục vụ cao, xây dựng sản phẩm liên kết, gia tăng trải nghiệm trọn vẹn thay vì đi "check in" như hiện nay thì ngành du lịch sẽ "đón bình minh" sớm hơn sau dịch Covid-19.
Thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Đắc Vinh cảm ơn những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Ban tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả hội thảo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.