Vợ chồng già gần 30 năm lưu giữ cà phê phin "núp hẻm" ở TPHCM
(Dân trí) - Nằm trong con hẻm 499 Bà Hạt (quận 10, TPHCM), xe cà phê phin của hai vợ chồng ông Dũng vẫn bám trụ qua nhiều thập kỷ, lưu giữ hương vị của món thức uống quen thuộc.
Từ sáng sớm, trong con hẻm trên đường Bà Hạt, quận 10, một ông cụ với mái tóc bạc phơ, tay chân không còn quá linh hoạt vẫn tất bật pha từng ly cà phê cho khách. Đó là xe cà phê của ông Trương Nghiệp Dũng (67 tuổi).
Năm 1995, ông cùng vợ là bà Lưu Phụng Thảo (65 tuổi) cùng khởi nghiệp với xe cà phê nhỏ. Bởi cái duyên với loại đồ quen thuộc này, hai vợ chồng ông luôn cố gắng giữ lại hương vị quen thuộc của những ly cà phê truyền thống.
Ông Dũng kể: "Khi bắt đầu, tôi học hỏi và tự tìm cho mình công thức cà phê ngon. Sau đó tôi đẩy xe đi bán và tình cờ gặp được vợ. Đều có sở thích với cà phê phin, vì vậy cả hai quyết định mở bán và bám trụ với nghề này. Ngót nghét gần 30 năm trôi qua, tôi đã giữ được vị cà phê mà tôi muốn, và mọi người cũng rất ủng hộ".
Từ 4h sáng, hai ông bà đã thức dậy chuẩn bị, sau đó đèo nhau trên chiếc xe máy cũ, chạy qua hẻm để bán. Đến 6h sáng, xe cà phê của hai ông bà đã tấp nập người qua lại. Đa phần đều là khách đến mua đem đi vì trong hẻm nên không có chỗ ngồi lại.
"Hồi trước tôi vừa pha vừa bán luôn, nên trên quầy bày ra nhiều cái phin, giờ tay không còn linh hoạt được nữa nên sẽ pha phin ở nhà, bỏ vào chai thủy tinh và đem lên đây để pha chế. Thường thì pha cà phê phin lâu lắm, nó nhỏ từng giọt tới 4 tiếng. Tôi đổ nước từ từ để hạt cà phê ra đậm chất, chỉ cần nóng vội là cà phê lên bọt liền. Mỗi phin tôi chỉ xài 1 lần nước chứ không đổ đi đổ lại, như vậy cà phê sẽ nhạt và không còn thơm nữa", ông Dũng chia sẻ.
Hai vợ chồng ông bà phải thay phiên nhau từ quận 10 chạy về nhà ở quận 8, pha cà phê ở nhà rồi lại chở ra bán. Dù hơi bất tiện nhưng hai ông bà không làm gì khác được.
"Tôi bị té gãy xương tay từ năm ngoái. Thời gian đó tôi chỉ có nằm suốt, dù mổ rồi nhưng vì làm nhiều quá, ốc lại xúc ra gây nhiễm trùng máu. Bây giờ chỉ có thể làm chút đỉnh, làm nặng thì tay không trụ vững được do giờ tay yếu lắm", ông Dũng ngậm ngùi,
Cà phê của hai ông bà có hương vị rất riêng. Là khách quen của quán, chú Thành Việt (54 tuổi) chia sẻ: "Tôi đã uống cà phê ở đây từ lúc chú Dũng còn pha tại chỗ. Đi qua đường này là hương cà phê thơm nức mũi, cà phê pha đậm nên dù có mang đi xa cũng không bị lạt do nước đá tan nhiều. Vì vậy tôi đã trở thành khách quen của chú mỗi sáng đi làm".
Xe cà phê của hai ông bà chỉ bán từ khoảng 6h sáng đến hơn 10h là hết. Từng ly cà phê được chuẩn bị tỉ mỉ, sánh đậm màu cà phê phin truyền thống cùng hương thơm đặc trưng là điều giúp giữ chân thực khách.
Chị Mai Ly (38 tuổi) cho biết chị rất thích hương vị cà phê ở đây. Dù không còn được thấy chú pha nhưng hương vị vẫn giữ nguyên như lúc chị mới biết đến.
"Tôi thường mua cà phê sáng để mang đi làm. Vị cà phê ở đây rất khác so với những chỗ cà phê hiệu đã quen thuộc với nhiều người. Giá rẻ nhưng vẫn chất lượng, vì vậy cà phê ở đây đã thực sự khiến tôi "nghiện", trở thành thứ không thể thiếu vào mỗi buổi sáng", chị Ly chia sẻ.
Quan niệm lấy chất lượng làm đầu, hai vợ chồng ông Dũng tự hào với từng ly cà phê của mình. Không pha máy để bán được nhiều hơn, cũng không chú trọng nhiều vào bao bì sản phẩm, cái níu chân người mua vẫn chắn hẳn là hương cà phê đậm đà. Mỗi ly cà phê giá dao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng, hương vị thì được nhiều người nhận xét "không thua kém bất cứ đâu",
"Mình bán bình dân thôi nhưng nó có cái ngon của vị bình dân", ông Dũng cười tươi.
Phan Ngân - Bảo Hy