Vì sao giới chuyên gia vẫn sợ khi mở lăng mộ 2.000 năm của Tần Thủy Hoàng?
(Dân trí) - Chỉ một phần lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được khai quật phục vụ khách tham quan, còn rất nhiều khu vực vẫn bị đóng kín suốt hơn 2.000 năm qua.
Năm 1974, nhóm nông dân tình cờ phát hiện ra một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất mọi thời đại trên cánh đồng vắng vẻ thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Khi đang đào đất, họ tình cờ tìm thấy những mảnh vỡ của tượng người làm từ đất sét. Không ai biết đó mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Hàng loạt cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành sau đó cho thấy cánh đồng nằm trên một số hố chứa hàng nghìn mô hình tượng binh lính và ngựa chiến bằng đất nung có kích thước tương đương với đời thực.
Bên cạnh đó còn rất nhiều mô hình tượng mô phỏng người nhào lộn, cỗ xe ngựa, nhiều loài động vật khác.
Giới khảo cổ khi đó nhận định, có vẻ như nhiệm vụ chính của "đội quân đất nung" là bảo vệ lăng mộ gần đó của Tần Thủy Hoàng. Ông là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, đồng thời sáng lập nên nhà Tần, trị vì từ năm 221 đến 210 trước Công nguyên.
Lăng mộ nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An chừng 50km về phía đông. Công trình được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, được UNESCO xếp hạng là kỳ quan thế giới vào năm 1987.
Kể từ ngày phát hiện đến nay đã một nửa thế kỷ qua đi, nhưng nơi này vẫn là ẩn số với hậu thế, bởi phần lớn lăng mộ chưa được khám phá hết.
Ở thời điểm hiện tại, khi phần lớn khu nghĩa địa xung quanh lăng mộ được khai quật, thì phần mộ chính của Tần Thủy Hoàng chưa bao giờ được mở ra.
Các chuyên gia nhận định, có lẽ chưa có bất cứ ai từng nhìn vào bên trong phần mộ này suốt hơn 2.000 năm qua kể từ khi vị Hoàng đế nổi tiếng này được chôn cất.
Một trong những lý do đằng sau sự do dự này vì giới khảo cổ lo ngại việc khai quật có thể làm hỏng ngôi mộ, mất đi thông tin lịch sử quan trọng.
Hiện tại chỉ có kỹ thuật khảo cổ xâm lấn mới có thể tiến vào lăng mộ, có nguy cơ cao gây ra thiệt hại "không thể khắc phục".
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về điều này là cuộc khai quật thành phố Troy (thuộc thành phố Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Năm 1870, nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann vội vàng và suy nghĩ đơn giản khiến hành động của ông đã phá hủy gần như mọi dấu vết về thành phố mà ông muốn khám phá.
Chính vì vậy, giới khảo cổ ngày nay chắc chắn không muốn mắc sai lầm tương tự như quá khứ. Từng có những đề xuất được đưa ra như dùng kỹ thuật không xâm lấn để quan sát phần bên trong lăng mộ. Tuy nhiên, hầu như những phương án này đều chậm triển khai.
Ngoài ra, việc mở lăng mộ được đánh giá có thể gây ra "những chết chóc bất ngờ".
Trong tài liệu cổ do nhà sử học cổ đại Tư Mã Thiên viết vào thời điểm khoảng 100 năm sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, ông giải thích "lăng mộ được thiết kế bằng nhiều loại bẫy có thể giết chết bất cứ kẻ nào dám xâm phạm".
"Bên trong lăng mộ chứa đầy đồ tạo tác quý hiếm và kho báu quý giá. Thủy ngân dùng để mô phỏng các con sông, được thiết lập để chảy một cách cơ học", một phần nội dung của tài liệu cổ viết.
Hơn 2.000 năm trôi qua, những vũ khí cổ trong lăng mộ có thể bị hỏng, nhưng sự tồn tại của dòng sông thủy ngân được giới chuyên gia kiểm tra kỹ lưỡng. Xung quanh hầm mộ, họ phát hiện nồng độ thủy ngân cao hơn đáng kể so với một vùng đất bình thường.
"Thủy ngân dễ bay hơi, thoát ra ngoài qua các vết nứt theo thời gian. Theo điều tra của chúng tôi dựa trên các ghi chép biên niên sử cổ xưa về lăng mộ, nơi này chưa từng bị cướp phá", nhóm chuyên gia thuộc Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc, chia sẻ.
Hiện đội quân đất nung, một phần của lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn đang đón khách tham quan. Trong năm 2015, hơn 5 triệu người đã tới đây chiêm ngưỡng, tìm hiểu về lịch sử cổ đại.