"Venice thời Đồ Đá" của Trung Quốc - nơi vĩ đại nhất cổ đại sụp đổ thế nào?

Quốc Việt

(Dân trí) - Hệ thống kênh rạch và những con đập chằng chịt khiến Lương Chử được gọi là "Thành Venice thời Đồ Đá" của Trung Quốc. Nhưng sau gần 1.000 năm, nền văn minh này đã sụp đổ khá đột ngột.

Nằm ở quận Yuhang của thành phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang, thuộc đồng bằng sông Dương Tử ở phía đông Trung Quốc, nhiều dấu hiệu được khai quật cho thấy nền văn minh Lương Chử đã tồn tại ở quốc gia này từ khoảng 3.300 đến 2.300 năm trước Công nguyên.

Thành phố đã đạt được những tiến bộ công nghệ cách đây hơn 5.000 năm, có thể là duy nhất trên thế giới thời điểm đó.

Nhờ hệ thống kênh rạch và những con đập chằng chịt khiến Lương Chử còn được ví như "Thành Venice thời Đồ Đá" của Trung Quốc. Nhưng sau gần 1.000 năm, thành phố và nền văn minh này đã sụp đổ theo cách khá đột ngột. Nguyên nhân của sự biến mất này vẫn là vấn đề gây tranh cãi suốt thời gian dài.

Venice thời Đồ Đá của Trung Quốc - nơi vĩ đại nhất cổ đại sụp đổ thế nào? - 1
Hang Thần Nông ở thung lũng sông Dương Tử (Ảnh: Iflscience).

Theo nghiên cứu mới nhất, có thể những biến đổi khí hậu tạm thời gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng làm hệ thống kênh rạch ở Lương Chử không thể chống chọi, từ đó dẫn tới sự sụp đổ.

Vào thời điểm mà hầu hết các nơi trên thế giới chưa phát hiện ra nông nghiệp, thì ở Lương Chử đã tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật thủy lực. Thành phố được thiết kế hệ thống tường thành bao quanh nhằm chống quân xâm lược, có mạng lưới kênh nước để người dân canh tác tại khu vực rộng lớn của vùng đồng bằng màu mỡ ngập nước tự nhiên.

Việc xây dựng kỳ quan cổ xưa như vậy được coi là kỳ tích, nhưng Giáo sư Christoph Spötl đến từ trường Đại học Innsbruck lại quan tâm tới nguyên nhân tại sao một thành phố vốn tồn tại lâu như vậy lại sụp đổ?

"Tại các tàn tích có tìm thấy một lớp đất sét mỏng. Điều này giải thích về sự diệt vong của thành phố tiên tiến này có thể liên quan tới những trận lụt bắt nguồn từ sông Dương Tử hoặc biển Hoa Đông. Chúng tôi không tìm thấy dấu vết phá hủy liên quan tới con người do xung đột hoặc chiến tranh", Giáo sư Spötl phân tích.

Lương Chử, Nền văn minh 5.000 năm được minh chứng bằng ngọc bích

Để kiểm tra xem lũ lụt có phải là lý do chính hay không, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu khí hậu ở thung lũng sông Dương Tử trong vòng 100.000 năm nhờ hệ thống măng đá trong hang Thần Nông và Cửu Long. Tốc độ kết tủa của đá vôi trong hang động cho thấy dấu hiệu lỏng lẻo về lượng mưa thời điểm đó, nhưng phân tích đồng vị carbon cung cấp độ chính xác cao hơn.

Cụ thể, khoảng 4.345 năm trước, thung lũng sông Dương Tử trải qua những đợt mưa đáng kể. Thời điểm này trùng khớp với sự sụp đổ của thành phố Lương Chử.

"Mưa lớn cùng những đợt lũ lụt nghiêm trọng của sông Dương Tử đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới mức hệ thống kênh mương phức tạp của thành phố không chịu nổi khối lượng nước khổng lồ. Do vậy, thành phố bị phá hủy còn người dân phải sơ tán đi nơi khác", Giáo sư Spötl bổ sung thêm.

Venice thời Đồ Đá của Trung Quốc - nơi vĩ đại nhất cổ đại sụp đổ thế nào? - 2
Khu khảo cổ Lương Chử ngày nay (Ảnh: News).

Nếu mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường thì những người sống sót sẽ quay lại. Nhưng các dấu hiệu trong hang động cho thấy nhiều đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xảy ra trong 300 năm tiếp theo khiến việc khôi phục thành phố trở nên khó khả thi vào thời điểm đó.

Khu khảo cổ Lương Chử được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 7/2019.

Đến nay, nơi này được thiết kế để trở thành điểm thu hút khách du lịch, bảo tồn những tàn tích cổ. Giới chuyên gia từng mô tả địa điểm này là "Nền văn minh 5.000 năm được minh chứng bằng ngọc bích" bởi hàng nghìn món đồ tạo tác bằng ngọc từng được khai quật tại đây.