Về nơi người dân "ăn, ngủ" cùng rắn độc, chăm như "thú cưng"
(Dân trí) - Ở xã Bạch Lưu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) người dân sẵn sàng "ăn, ngủ" và chăm sóc chúng như thú cưng.
Men theo những con đường uốn lượn quanh co qua các sườn đồi nhấp nhô, chúng tôi tìm về xã Bạch lưu - một trong những địa phương nằm ở cuối huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Làng quê giờ đây đã đổi thay, những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ đã được thay thế bằng nhà mái bằng, nhà tầng rộng rãi. Khoảng 20 năm trở lại đây, diện mạo của nơi đây đã được cải thiện đáng kể nhờ nghề nuôi rắn hổ mang bành.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hà Văn Chữ - Chủ tịch hội cựu chiến binh xã Bạch Lưu cho biết, cả xã hiện giờ có hơn 100 hộ nuôi rắn. Trước đây việc nuôi rắn chỉ được coi là nghề phụ.
Nhưng sau này do nhu cầu về nguồn rắn thương phẩm và trứng tăng cao, nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi và nâng cao quy mô rắn từ vài chục lên đến vài trăm con, thậm chí đến cả vài nghìn con.
"Vào thời điểm những năm 2011 mặc dù tôi chỉ nuôi vài trăm con rắn, nhưng sáng ngủ dậy tôi đã có 700 nghìn đồng, tính ra một năm cũng lời khoảng 200 triệu đồng. Ở quê như vậy đã là một mức thu nhập trong mơ của nhiều gia đình rồi", - ông Chữ tâm sự.
Ông Chữ cho biết, rắn được nuôi theo hai hình thức, đó là nuôi theo đàn và nuôi đơn lẻ. Việc nuôi tập thể sẽ được ưu tiên khi rắn mới nở, để tránh xung đột giữa các cá thể rắn. Sau khi rắn lớn sẽ được nuôi theo hình thức đơn lẻ để tiện cho việc chăm sóc và vệ sinh chuồng trại.
Mùa sinh sản đến, mỗi con rắn đẻ từ 25 - 30 quả trứng, thức ăn của chúng chủ yếu là cóc, gà con. Bước vào mùa đông, rắn sẽ ngủ đông và không ăn trong hàng tháng trời, những người nuôi rắn cũng có thể tranh thủ làm được việc khác.
"Mặc dù rắn là loài rất ít bệnh tật, nhưng khâu vệ sinh ăn uống không đảm bảo, chúng rất dễ bị mắc bệnh như tiêu chảy, bệnh phổi..., có đợt đàn rắn bị bệnh thì cả gia đình tôi đều mất ăn mất ngủ vì lo lắng", - ông Chữ chia sẻ.
Bước vào chuồng rắn, chúng tôi không khỏi "đứng tim" với hàng trăm tiếng phì lớn phát ra từ dưới lòng đất. Ông Chữ cười và bảo: "đừng lo, chuồng trại ở đây kiên cố lắm, đảm bảo rắn không thoát ra ngoài được đâu".
Rồi ông Chữ mở cửa chiếc chuồng đơn, ngay lập tức, từ dưới lòng đất một con rắn thò đầu, bạnh mang to như dọa dẫm và sẵn sàng tấn công nếu chúng tôi còn bước lại gần nó.
Ông Chữ lúc này lấy chiếc móc sắt đã được chuẩn bị và từ từ móc vào thân con rắn, đưa nó lên trên và chia sẻ thêm: "nghề nuôi rắn luôn phải đối mặt với nguy hiểm, bởi loài này có nọc độc. Trước kia ở xã cũng đã có trường hợp tử vong do bị rắn cắn. Do vậy, hiện nay nhà nào cũng dự trữ sẵn thuốc chữa rắn cắn để phòng tránh bất trắc".
Mặc dù nuôi rắn hổ mang bành mang lại hiệu quả kinh tế cao, thế nhưng người dân ở đây không khỏi lo lắng vì thị trường tiêu thụ vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.
Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá rắn tụt giảm kỷ lục, thời điểm trước giá rắn giống có lúc lên đến 1,2 triệu đồng/kg, rắn thương phẩm dao động khoảng 700-750 nghìn đồng/kg. Thì đến nay giá rắn giống chỉ từ 150-200 nghìn đồng/kg, hàng thương phẩm chỉ ở mức 230 nghìn đồng/kg.
"Có gia đình nuôi đến gần 2000 con rắn thương phẩm, đã đến thời kỳ xuất bán nhưng vẫn phải nằm im trong chuồng để hy vọng giá cả sẽ ổn định trở lại, nếu bán vào thời điểm này có thể lỗ đến vài trăm triệu đồng. Còn gia đình tôi nuôi ít, mấy hôm trước đã bán hơn 1 tạ, lỗ 40 - 50 triệu đồng, nhưng vẫn đành chấp nhận", - ông Chữ tâm sự.