Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại

(Dân trí) - Tổ hợp kiến trúc Lam Hạ (Hà Nam) mỗi ngày có hàng nghìn người dân tìm đến thắp hương thành kính để tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Đến với cụm di tích Đền Lam Hạ (tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý), du khách không chỉ được dâng nén hương, tưởng nhớ các liệt sỹ mà còn được hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân tỉnh Hà Nam.

Khu di tích Đền Lam Hạ bắt đầu được xây dựng vào năm 2009, bao gồm công trình Đền Liệt sĩ tỉnh, Đền thờ 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ cùng nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện.

Nơi đây từng là trận địa pháo phòng không đáp trả những đợt không kích ác liệt của không lực Hoa Kỳ trong thời chiến. Trận địa cũng là nơi 10 cô gái anh hùng Thu, Thi, Tâm, Tuyết, Lan, Phương, Thuận, Thẹp, Chung, Oánh đã ngã xuống, trở thành những con người huyền thoại trong lòng nhân dân.

Sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái trên trận địa từng bị bom đạn cày xới này khiến nơi đây còn được gọi là Đồng Lộc thứ hai của miền Bắc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Địa điểm trận địa pháo phòng không Lam Hạ là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 8/2016.

Hãy cùng chiêm ngưỡng kiến trúc của Khu di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ qua những bức ảnh được ghi lại dưới đây.

Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 1
Khu Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân pháo phòng không Lam Hạ là tổ hợp công trình, kiến trúc được xây dựng đồng bộ, có địa thế bao quanh bởi hồ nước xanh vắt bốn mùa.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 2
Hằng ngày, Khu di tích đón hàng chục đoàn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến thăm, dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh dũng cảm của 10 cô gái năm xưa và cũng nhau ôn lại những kỉ niệm chiến đấu cũ.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 3
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tỉnh Hà Nam là nơi thờ phụng hơn 17 nghìn liệt sĩ của tỉnh nói chung và 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ nói riêng.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 4
Chiếc chuông đồng nằm trong khu di tích được khắc bài thơ do Giáo sư, Anh hùng lao động nhân dân Vũ Khiêu viết tặng:“Hồi chuông vàg như nhớ người thương/Hơn vạn bảy người con/Ngàn thu như thức tỉnh/ Đạo làm người…”.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 5

Bia đá, lầu chuông, gác trống tạo nên kiến trúc uy nghi cho Đền thờ và Khu di tích.

Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 6
Kiến trúc của Khu di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 7
Cầu đá nối liền hai Đền Lam Hạ và Đền thờ 10 nữ dân quân Lam Hạ.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 8
Trận địa pháo phòng không Lam Hạ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 9
Cũng tại nơi này, người ta nhắc nhiều nhất đến sự hy sinh của 10 cô gái dân quân Lam Hạ khi đang làm nhiệm vụ trên mâm pháo mùa thu năm 1966.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 10
Qua chiếc cầu đá, Đền thờ 10 cô gái Lam Hạ nằm được bao phủ trong một vườn cây xum xuê hoa thơm, trái ngọt. Nhân dân nơi đây còn đặc biệt trồng cây bồ kết chuyên cho quả để làm nước gội đầu yêu thích của các cô gái dân quân khi còn sống.
Về nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ hoá thân thành huyền thoại - 11

Những người lính, cũng là những người bạn già cùng nhau trở về khu di tích để ôn lại những kỉ niệm rực lửa của một thời bom đạn. Đây là nơi đồng đội, anh em, bạn bè của họ đã trở về với sự che chở của đất mẹ.

 

Hằng Trịnh