ĐBSCL:

Về miền Tây, ngắm cây Di sản Việt Nam

(Dân trí) - Trong tháng 5/2015, miền Tây có 2 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, góp phần trở thành những điểm du lịch tiêu biểu cho vùng mênh mông sông nước này.

Đầu tháng 5/2015, cây lộc vừng 300 năm tuổi nằm trên địa bàn ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.   

Cây lộc vừng có chiều cao khoảng 22m, chu vi gốc 8m và tán rộng gần 100m2. Theo người dân địa phương, cứ sau Tết Nguyên đán cây thay lá và tới tháng 3 âm lịch cây lại xanh tốt, ra hoa trông rất đẹp mắt.

Cây lộc vừng cổ thụ 300 năm tuổi ở Hậu Giang.
Cây lộc vừng cổ thụ 300 năm tuổi ở Hậu Giang.

Cây xoài cổ thụ 300 năm tuổi tọa lạc tại ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong giữa tháng 5 này.

Cây xoài có chiều cao khoảng 15m, đường kính 1,92m, gốc to 4- 5 người ôm, tán tỏa bóng rộng đến 300m2. Đây được xem là cây xoài cổ thụ có tuổi thọ cao nhất ở Bạc Liêu nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Cây xoài 300 năm tuổi ở Bạc Liêu.
Cây xoài 300 năm tuổi ở Bạc Liêu.

Việc các cây cổ thụ tại Hậu Giang, Bạc Liêu trở thành những Cây Di sản Việt Nam đã góp phần hình thành những điểm du lịch tiêu biểu cho các tỉnh nói riêng, khu vực miền sông nước ĐBSCL nói chung. Du khách khi tìm về với những cây cổ thụ để chiêm ngưỡng vẻ “hoành tráng” có thể kết hợp thưởng thức những món ăn dân dã trong hành trình khám phá thiên nhiên ở miền Tây cũng là một điều rất thú vị. 

                                                                                                Giang Hải Yến