Vắng khách Trung Quốc, du lịch châu Á sẽ khó phục hồi?
(Dân trí) - Theo phân tích của các chuyên gia đầu ngành, du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ khó lòng phục hồi cho tới năm 2024 nếu vắng bóng khách Trung Quốc.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, vào năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát, khoảng 154,6 triệu người Trung Quốc đại lục đã đi du lịch nước ngoài. Và theo con số từ công ty tư vấn bất động sản JLL, "tệp khách hàng" này chiếm khoảng 40% khách du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch.
Tuy nhiên, hiện biên giới Trung Quốc vẫn đóng cửa. Ước tính khoảng 140 triệu du khách nước này không thể đi du lịch trong khu vực. Theo phân tích từ các chuyên gia đầu ngành, du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ khó lòng phục hồi cho tới năm 2024 nếu tiếp tục thiếu vắng khách Trung Quốc.
Ông Koichiro Obu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương của công ty quản lý tài sản DWS (Đức), cho rằng, sự phục hồi của lĩnh vực khách sạn đang bị ảnh hưởng nhiều cũng vì nguyên nhân này.
"90% khách Trung Quốc từng đi du lịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lượng du khách từ Trung Quốc đại lục ra nước ngoài tăng ít nhất 10 triệu người mỗi năm. Bởi vậy, chúng ta có thể thấy tệp khách hàng này là động lực của sự tăng trưởng. Hiện chúng tôi không thấy sự phục hồi hoàn toàn trong năm tới. Tôi cho rằng, phục hồi sớm nhất phải tới năm 2024".
Ngay cả khi các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ gần hết các hạn chế du lịch, nhưng việc thiếu khách Trung Quốc vẫn khiến công suất và giá phòng khách sạn ảnh hưởng.
Tương tự, sự phục hồi hoàn toàn của ngành khách sạn Hong Kong (Trung Quốc) có thể sẽ mất từ 2-3 năm. Chính quyền Hong Kong vừa quyết định chấm dứt yêu cầu cách ly bắt buộc 3 ngày với khách nhập cảnh kể từ ngày 26/9 nhưng vẫn duy trì các biện pháp kiểm dịch khác, bao gồm cả xét nghiệm Covid-19 nhiều lần.
Các chuyên gia cao cấp của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc dự đoán, việc Trung Quốc đóng cửa biên giới có thể kéo dài tới mùa xuân năm 2023 bởi tốc độ lây nhiễm thường cao hơn vào mùa đông. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục của du lịch châu Á, còn "gây rắc rối" tới nhiều điểm du lịch trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), du khách Trung Quốc đã chi 277 tỷ USD ở nước ngoài vào năm 2018, 255 tỷ USD vào năm 2019. Con số này chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế.
Trong bốn tuần cuối tháng 8, giá phòng trung bình tại các khách sạn ở các nước châu Âu như Pháp, Italy, Hy Lạp và Croatia vào khoảng 250 USD. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 50 USD.
Ông Koichiro Obu cho biết, điều này buộc nhiều chủ khách sạn phải từ bỏ tài sản của họ. Ví dụ như công ty đường sắt điện Odakyu hiện phải rao bán khách sạn Hyatt Regency Tokyo ở khu Shinjuku (Nhật Bản) với giá khoảng 100 tỷ yên.
Tương tự như vậy, ông Jonathan Law, phó chủ tịch công ty bất động sản JLL, ngành du lịch Hong Kong đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc đại lục.
"Phải chờ tới khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, còn hiện hoạt động kinh doanh các khách sạn tại Hong Kong sẽ chỉ là một phần rất nhỏ so với thời điểm trước đại dịch", ông Law nói. Cũng theo vị này, sự phục hồi hoàn toàn của ngành khách sạn Hong Kong có thể phải mất từ hai đến ba năm.
Trong khi đó, ông Imke Wouters, đối tác công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman, đưa ra nhận định "dè dặt" hơn. "Chúng tôi không thể dự đoán khi nào có thể gặp lại những vị khách Trung Quốc. Ngay cả khi biên giới nước này mở cửa hoàn toàn, bỏ cách ly, thì du lịch vẫn cần thời gian để phục hồi hoàn toàn vì sẽ chỉ có nhóm nhỏ du khách mới xuất ngoại ngay lập tức", ông nói.