Uống nước tính tiền ghế ngồi, chụp ảnh tính tiền hậu cảnh
Với kiểu làm ăn chột giật, cơ hội, nhiều tiểu thương sẵn sàng bày chiêu, giở thói lừa lọc để móc hầu bao của khách.
Uống nước tính tiền... ghế ngồi
Được mọi người cảnh báo nạn “chặt chém” ở các bến xe, nhà ga ở Hà Nội, chị Thu Quyên (quê Nam Định) đã cẩn thận hỏi giá trước khi sà vào một hàng nước trước cửa ga Hà Nội nhưng đến lúc tính tiền, chị vẫn không thoát khỏi “kế” của bà hàng nước.
Chị kể: “Hôm ấy đi tàu từ Nam Định lên Hà Nội, rồi ngồi ở ga đợi chuyển tàu lên Lào Cai. Biết mình đợi tàu nên mấy bà hàng nước mời mọc luôn miệng. Cũng vào ngồi, và trước khi uống đã cẩn thận hỏi giá, 5 nghìn cốc trà nóng, 15 nghìn chai C2. Ba người uống hết 2 cốc trà nóng và 1 chai C2. Khi tính tiền thì bà ấy bảo 50 ngàn tất cả. Mình hỏi lại là trà đá 2 cốc là 10 ngàn + 1 chai C2 15 ngàn là 25 ngàn chứ cô. Bà này liền tỉnh bơ bảo “cô cậu ngồi cả nửa tiếng cơ mà”. Bực mình lắm nhưng chồng bảo thôi nên đành rút tiền ra trả”.
Tính thêm tiền chỗ ngồi ngoài tiền đồ uống là chiêu mà các quán nước ở bãi biển thường sử dụng để móc thêm hầu bao của khách. (Ảnh: Kim Minh)
Cũng bị tính tiền ghế ngồi khi đi du lịch, anh Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Có hỏi trước giá thì vẫn bị lừa, chặt chém. Tôi đi Sầm Sơn, uống nước dừa, bị tính giá 200 ngàn/2 quả dừa. Nó bảo dừa 2 quả 100 ngàn, chỗ ngồi 100 ngàn nữa là tròn 200 ngàn. Cứng họng luôn”.
Dù có cẩn thận hỏi giá trước khi ăn, nhưng nhiều người vẫn không tránh khỏi “kế” của tiểu thương khi họ đã muốn móc hầu bao khách bằng mọi giá. “Hỏi giá trước cũng bằng thừa. Lần trước tôi đã hỏi giá trước, 1 thằng bảo là bát phở 20.000đ, sau khi ăn xong thì thằng đó lẻn đi mất, thằng khác ra bảo là 40.000đ. Tức mà không làm được gì...”, độc giả Hùng kể.
Chụp ảnh đòi tiền hậu cảnh
Chuyện phải trả tiền để được vào vườn hoa đào, hoa cải để chụp ảnh không còn là chuyện hiếm ở Hà Nội. Tuy nhiên, vườn hoa mất công chăm bón, người vào chụp ảnh có thể làm hư hại, nhà vườn thu tiền cũng là lẽ thường tình. Nhưng có những hậu cảnh có chụp cả trăm, cả nghìn bức hình vẫn không hư hại gì, khách tham quan vẫn bị vòi tiền.
Độc giả Nguyễn Thị Mai kể Tết vừa rồi chị và người bạn từ nước Đức về chơi ra chùa Bái Đính tham quan. Bạn chị rất thích thú khi thấy những cô gái lái đò bằng chân liền reo lên: “Thật tuyệt diệu! Có thể làm một kiểu ảnh mang về Đức để khoe các đồng nghiệp”. Nhưng bạn chị vừa dứt lời thì cô lái đò liền chuyển sang lái bằng tay.
“Tôi liền hỏi là liệu cô có thể lái đò bằng chân cho tôi chụp một kiểu ảnh được không. Cô ấy chưa kịp trả lời thì một cô gái trẻ ngồi trên đò này nói luôn 5 đô la một kiểu”, chị kể.
Bảng giá ghi một đằng... tính tiền một nẻo
Sợ quán cóc hét giá vô tội vạ nên chị Linh (Đội Cấn, Hà Nội) luôn chọn các quán ăn có thực đơn ghi giá rõ ràng khi đi du lịch. Nhưng cảnh giác đến mấy chị vẫn không thoát khỏi “kế” của những tiểu thương làm ăn chộp giật.
Sợ quán vỉa hè hét giá vô tội vạ, vào quán có thực đơn ghi bảng giá rõ ràng thực khách vẫn bị “chặt chém” như thường (Ảnh minh họa)
Chị kể về chuyến đi Hạ Long nhớ đời của gia đình mình: “Ức cho đến tận bây giờ vẫn thấy cục đắng ở cổ họng. Cứ tưởng vào quán có thực đơn ghi giá rõ ràng là ăn uống thoải mái không lo chặt chém. Ai ngờ lúc tính tiền họ bảo giá đó là giá ngày thường, còn giá mùa du lịch sẽ tăng gấp đôi. Đến cái khăn ướt cũng tính 10 ngàn 1 chiếc”.
Cũng bị “chặt chém” như chị Linh, anh Lê Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Một quán nướng vỉa hè trên phố Tô Hiệu ghi giá nướng 70 ngàn cho các món. Tưởng rẻ nên hai đứa vào làm 2 món nướng và 2 lon cô ca. Bị chém 550 ngàn. Đôi co một lúc vẫn phải rút ví trả 550 ngàn cho họ. Chẳng hiểu nổi họ tính như thế nào”.
Theo Kim Minh
Vietnamnet