Tượng làm từ 162kg vàng 281kg bạc bị chỉ trích, nay giúp "hốt tiền" mỏi tay
(Dân trí) - Bức tượng sử dụng 162kg vàng và 281kg bạc từng bị chỉ trích là "hoang phí", nay đã tăng giá gấp 5 lần, trở thành nguồn lợi để địa phương kiếm bộn tiền nhờ du lịch.
Khi một đàn dơi Hodgson có bộ lông màu vàng đỏ xuất hiện tại mỏ vàng bỏ hoang ở huyện Hampyeong thuộc tỉnh Jeolla Nam (Hàn Quốc) vào năm 1999, chính quyền địa phương sớm nhìn thấy cơ hội trước mắt. Loài dơi này vốn được cho là đã tuyệt chủng tại "xứ sở kim chi".
Thời điểm đó, huyện Hampyeong - nơi cách Seoul chừng 270km - vẫn còn là vùng nông thôn. Chính quyền địa phương đau đầu trước tình trạng dân số suy giảm và cần tính cách tăng doanh thu.
Nhân cơ hội tìm thấy đàn dơi quý hiếm trong hang động, ý tưởng thiết kế bức tượng dơi khổng lồ được nhen nhóm. Sau nhiều lần họp bàn, đến năm 2005, giới chức huyện Hampyeong quyết định chi 2,1 triệu USD để mua 162kg vàng và 281kg bạc để tạo ra bức tượng cao 2,13m.
Nhà điêu khắc nổi tiếng Byun Kun-ho là "cha đẻ" của tác phẩm. Ông mất 3 năm để tạc tượng 5 con dơi vàng bay lượn qua vòng tròn bằng bạc cỡ lớn.
Trong một bài viết mô tả tác phẩm của mình, nhà điêu khắc Byun cho rằng đây là "sự hài hòa và bất tử của vũ trụ". Tất nhiên, chi phí không dừng lại ở con số kể trên.
Tác phẩm đặt trong phòng triển lãm được xây dựng đặc biệt như một hang động - môi trường sống tự nhiên của loài dơi.
Bên cạnh bức tượng, tác giả còn đặt một quả trứng bằng vàng với kích thước tương đương với bàn cà phê, làm từ chất liệu vàng và bạc còn sót lại. Ý nghĩa của tác phẩm nhằm tôn vinh những vị anh hùng dân tộc của Hàn Quốc - được mô tả sinh ra từ những quả trứng.
Thời điểm đó, chính quyền địa phương tin tưởng bức tượng khổng lồ sẽ mang "ánh hào quang của kỳ quan sinh thái" tới khu vực, thu hút lượng khách du lịch đông đảo tới huyện nhỏ vốn còn khó khăn.
Nhưng "tiền chưa thấy đâu", ngay lập tức, tượng đàn dơi vấp phải sự chỉ trích dữ dội. Nhiều người cho rằng, với một huyện nhỏ khó khăn, việc chi hàng triệu USD cho bức tượng vàng là "một sự lãng phí", thậm chí "háo danh".
Một tờ báo địa phương còn gọi động thái này là "quyết định hào nhoáng mà rỗng tuếch", không phù hợp với hoàn cảnh địa phương.
Nhưng bất ngờ, vận may của huyện Hampyeong lại đảo ngược. Đến nay, giới chức địa phương có thể tự tin chứng minh những lời phán xét trước kia "là sai lầm".
Tại thời điểm hiện tại, khi giá vàng và giá bạc đang lập ở mức kỷ lục mọi thời đại, các chuyên gia ước tính, giá trị bức tượng tăng vọt lên tới 11 triệu USD. Có thể nói, chỉ "nằm im một chỗ" nhưng bức tượng đã sinh lời gần 5 lần, trở thành khoản đầu tư có lãi nhất mà địa phương này có được.
Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Mặc dù nằm ở vị trí xa xôi, nhưng bức tượng đã thu hút rất đông khách du lịch tới chiêm ngưỡng. Trong vài tuần trở lại đây, khoảng 15.000 người đã tới thăm, chủ yếu là khách nội địa.
"Khi giá vàng bật tăng, sự quan tâm của công chúng tới bức tượng cũng nhiều lên. Chỉ tốn 2.000 won vé vào cửa (35.000 đồng - PV), nơi này hiện thành điểm hút khách du lịch hấp dẫn của địa phương chúng tôi", đại diện huyện Hampyeong chia sẻ với CNN.
Do giá trị cao nên bức tượng còn thu hút theo cách "không mong muốn". Năm 2019, 3 người đàn ông bị bắt sau cáo buộc định ăn cắp nó.
Kể từ đó, huyện Hampyeong bổ sung thêm nhiều tầng bảo vệ, từ cảm biến chuyển động, hệ thống camera an ninh có độ phân giải cao, tới lớp kính chống đạn và cửa chớp bằng thép.
Trong thời gian tới, giới chức địa phương đang lên kế hoạch di dời bức tượng tới Công viên triển lãm Hampyeong để công chúng dễ tiếp cận hơn.
Dù giá trị bức tượng có thể đang ở mức "cao nhất mọi thời đại", nhưng địa phương không có kế hoạch bán ra thị trường.
"Chúng tôi đầu tư xây dựng với mục đích mang lại giá trị văn hóa, không phải kiếm lợi nhuận", một vị quan chức khẳng định.