Trung Quốc xây công trình "thách thức" trọng lực nằm lơ lửng giữa biển mây
(Dân trí) - Từ trên cao nhìn xuống, công trình như chiếc thuyền trong suốt nằm giữa lưng chừng mây, khiến khách tham quan phải trầm trồ thán phục.
Địa hình đá vôi phân bố ở các nơi ở Trung Quốc như Quảng Tây, Quý Châu và Trùng Khánh. Trong đó, Quảng Tây vốn được biết tới với nhiều công trình đá vôi bao gồm các hố sụt, cầu đá tự nhiên, địa hình karst và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Địa hình karst vốn là kiểu phân rã đặc trưng thông thường, được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất.
Cảnh quan ở thành phố Quế Lâm tỉnh Quảng Tây là biểu hiện điển hình của địa hình karst với những hố sụt hình thành do xói mòn. Trong đó, hố sụt Dashiwei là nhóm hố sụt lớn nhất thế giới, được mệnh danh là "Bảo tàng hố sụt của thế giới".
Nhằm giúp du khách được trải nghiệm kỳ quan hùng vĩ do Mẹ thiên nhiên tạo ra, dự án Vân Hải Thiên Châu hình thành. Công trình được thiết kế tương tự như đài quan sát Grand Canyon ở Colorado, Arizona, Mỹ.
Từ trên cao nhìn xuống, đài quan sát Vân Hải Thiên Châu như chiếc thuyền trong suốt khổng lồ nằm lơ lửng giữa biển mây. Công trình có hai đường cong uốn lượn, kéo dài từ sườn núi tới vách đá. Tấm kính trong suốt phía trước của đài quan sát khiến du khách được trải nghiệm cảm giác thót tim ở vị trí nhô ra 34m. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn hố sụt sâu 613m ở phía dưới.
Từ đài quan sát có một quán cafe nhìn về phía đối diện, mở ra góc nhìn toàn cảnh về núi non trùng điệp cùng thiên nhiên khoáng đạt xung quanh.
Ở góc nhìn trên cao, Vân Hải Thiên Châu như "thách thức" trọng lực. Và quả thực, các kỹ sư thiết kế đánh giá, đây thực sự là một công trình có tính thử thách cao. Nhóm kỹ sư phải tính toán sao cho kiểm soát biên độ của nền địa chất nhằm đảm bảo nhu cầu an toàn tâm lý khách tham quan.
"Mấu chốt" của công trình là giàn thép dùng làm cấu trúc chính cho đài quan sát cũng như phần lan can phía trước. Các kỹ sư tính tới phương án làm thế nào cho phần nhô ra phía trước "mềm mại" nhất có thể nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ, nhưng vẫn đáp ứng sự an toàn tối đa. Ngoài ra, họ cũng tính tới những khó khăn khi xây dựng công trình nhằm thích ứng trong điều kiện địa chất vùng núi phức tạp.
Và cuối cùng, thành quả đạt được là một đài quan sát như chiếc thuyền trong suốt nằm bồng bềnh giữa biển mây. Ở phần nhô ra 34m giữa thung lũng là một "nỗ lực táo bạo" của cấu trúc kiến trúc, giúp du khách mở rộng tầm nhìn, hòa mình giữa thiên nhiên. Nhưng đó cũng là thử thách rất lớn với người sợ độ cao.
Ảnh: Archdaily