Trung Quốc "mở toang cửa", lượng khách quốc tế vẫn kém mặn mà đến thưa thớt
(Dân trí) - Thời trước đại dịch, Tử Cấm Thành vốn đông nghịt khách quốc tế, thì nay mỗi ngày chỉ có khoảng 20-30 người. Jay Li, một hướng dẫn viên du lịch địa phương cho rằng, con số này "đã là rất nhiều".
Hè đang là mùa du lịch cao điểm ở Trung Quốc. Vé vào điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Kinh - Tử Cấm Thành đã bán hết sạch chỉ sau vài phút. Đường phố đông đúc, ga tàu điện ngầm chật kín người. Nhưng lượng khách nước ngoài vẫn rất ít.
Jay Li, một hướng dẫn viên du lịch địa phương, cho biết, đến Tử Cấm Thành những ngày này, nếu tìm thấy 20-30 khách nước ngoài "đã là rất nhiều". Hầu hết người nước ngoài tới Trung Quốc sau đại dịch chủ yếu vì lý do công tác, rồi tranh thủ du lịch. So với trước thời Covid-19, khách quốc tế chỉ bằng khoảng 20%.
Khách quốc tế "kém mặn mà"
Ngay cả khi kế hoạch tăng các chuyến bay quốc tế được triển khai cũng không dẫn tới tình trạng khách du lịch đổ xô tới Trung Quốc như trước dịch. "Quốc gia tỉ dân" từng đón trung bình khoảng 136 triệu lượt khách mỗi năm.
Ông James Riley, CEO của tập đoàn Mandarin Oriental nhận định, lượng khách nước ngoài tới Trung Quốc trong thời gian qua vẫn ở con số "rất khiêm tốn". Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Các chuyên gia nhận định, du lịch hàng không về cơ bản "đã cạn kiệt trong thời kỳ Covid-19" nên cần có thời gian xây dựng.
Thêm nữa, một yếu tố khác khiến Trung Quốc trở thành điểm đến "gây khó khăn" với khách quốc tế ở việc sử dụng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số vốn thường dành riêng cho người dân tại quốc gia này.
Thẻ tín dụng nếu không phải do ngân hàng Trung Quốc phát hành, sẽ hiếm khi được chấp nhận. Du khách thường khó sử dụng tiền mặt. Nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú cho tới các bách hóa lớn, quầy hàng vỉa hè, siêu thị, chỉ chấp nhận các hệ thống thanh toán địa phương như WeChat Pay hay Alipay.
Barbara Kosmun, một du khách người Slovenia, tới Trung Quốc dịp hè này để thăm gia đình bạn bè.
Từng tới đây vào năm 2019, nhưng trong lần trở lại này, cô nhận thấy "hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc có vẻ khó khăn hơn trước kia". Sau 5 lần thử tải ảnh hộ chiếu để kích hoạt tại tài khoản nhưng không thành công, Kosmun đành nhờ bạn bè trả tiền giúp.
"Trung Quốc là quốc gia thân thiện nhất thế giới, miễn là bạn biết ngôn ngữ phổ thông, có thẻ ngân hàng ở đây", Kosmun nhận xét.
Ngoài ra, vấn đề xin thị thực cũng là thách thức với nhiều khách nước ngoài. Họ cần tới đại sứ quán hoặc trung tâm tiếp nhận hồ sơ và xếp hàng.
SCMP từng đưa tin về trường hợp du khách ở Singapore xếp hàng hơn 16 tiếng để chờ lấy lịch hẹn xin thị thực. Hiện tại, mỗi khách Mỹ phải chi khoảng 185 USD (hơn 4,4 triệu đồng) để xin thị thực vào Trung Quốc.
Trong một bài đăng trên trang web Zhihu của Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua nhận được nhiều lượt chia sẻ rộng rãi. Nội dung bài viết nhấn mạnh rằng, khách Mỹ đang có xu hướng thích đi Đông Nam Á hoặc châu Âu du lịch hơn.
Khách Trung Quốc "lười" xuất ngoại
Theo cuộc khảo sát hồi tháng 4 do Dragon Tail International thực hiện cho thấy, yếu tố chính khiến khách Trung Quốc không muốn du lịch nước ngoài vì lo ngại sự "mất an toàn" ở các nước. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân như vấn đề sức khỏe, khó khăn xin thị thực, chi phí cao.
Kết quả cho thấy, 58% người tham gia khảo sát cho biết, họ chắc chắn không rời khỏi Trung Quốc trong năm 2023 hoặc "không chắc có nên xuất ngoại hay không".
Tình hình kinh tế ảm đạm cũng là lý do "kìm hãm chi tiêu". Khách Trung Quốc đang có xu hướng thích du lịch gần nhà.
Từ những yếu tố trên, các nhà chức trách kỳ vọng thị trường du lịch nội địa sẽ tạo ra doanh thu khoảng 700 tỷ USD trong năm 2023.
Những điểm đến đang hút khách nội địa phải kể tới Thành Đô, Côn Minh, Hàng Châu, Tây An - "quê hương" của đội quân đất nung phục vụ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng và Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương.