Trung Quốc "chi tiền khủng" cho nhà vệ sinh công cộng có "đáng đồng tiền"?
(Dân trí) - Kể từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ nhân dân tệ cho chiến dịch nhằm cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng toàn quốc. Đến nay kết quả được đánh giá đã thành công.
Chi "tiền khủng" làm "cách mạng nhà vệ sinh"
Sau 4 thập kỷ đổ những khoản tiền lớn nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trước đây, Trung Quốc có nhiều điều đáng tự hào.
Đó là những sân bay mới sáng lấp lánh, đường rộng rãi thênh thang hay mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Nhưng suốt nhiều năm, nước này vẫn tồn tại thứ "ngoan cố" chống lại mọi nỗ lực cải cách - nhà vệ sinh công cộng.
Tưởng chừng chỉ là "mối bận tâm nhỏ" nhưng việc dọn dẹp những nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, lỗi thời, đã trở thành mục tiêu quan trọng với quan chức Trung Quốc. Kể từ những năm 1950, chính quyền nhiều địa phương đã coi đây là chìa khóa của sứ mệnh "văn minh hóa", đáp ứng nhu cầu công chúng về mức sống cao hơn.
Và năm 2015 được xem là dấu mốc quan trọng khi Trung Quốc thực hiện "cuộc cách mạng nhà vệ sinh" nhằm cải thiện lượng và chất.
Với du khách nước ngoài, một trong những dấu hiệu rõ nhất về sự tiến bộ đất nước là điều kiện cải thiện của các nhà vệ sinh công cộng.
Kay Park, một người Hàn Quốc từng sống ở Bắc Kinh 10 năm cho biết, lần đầu đến thăm Trung Quốc với tư cách là khách du lịch 15 năm trước, nhà vệ sinh trong tiềm thức của bà "là một nỗi kinh hoàng".
Nhưng trong lần tới thăm gần đây, bà Park ngạc nhiên vì mọi thứ đã thay đổi. "Chất lượng WC sạch sẽ hơn trước rất nhiều", du khách người Hàn nhận xét.
Thật vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, theo thống kê chính thức từ Sixth Tone, Trung Quốc chứng kiến 68.000 nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ở khu vực thành thị, hơn 10 triệu nhà vệ sinh được nâng cấp ở nông thôn, 64.000 cơ sở công cộng khác mở cửa vào cuối năm 2020.
Và đương nhiên, trong các con số kể trên chẳng có gì có "giá rẻ". Chỉ riêng năm 2019, chính quyền trung ương dành 7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ USD) cho các dự án nhà vệ sinh (chưa tính tới chi tiêu của các địa phương).
Những khu vực thành thị là nơi được tập trung cải thiện trải nghiệm du lịch. "Cuộc cách mạng nhà vệ sinh" đã chi rất nhiều tiền để những cơ sở này có mọi thứ, từ giấy vệ sinh, hộp đựng xà phòng cho tới nhà vệ sinh tự làm sạch, TV màn hình phẳng và thậm chí cả tủ lạnh.
Phục vụ tối đa nhu cầu người dân, trải nghiệm cho du khách
Nhằm nâng cao tối đa chất lượng và nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh cho người dân cũng như du khách, Trung Quốc còn triển khai công nghệ cho các nhà vệ sinh công cộng.
Cụ thể, người dùng khi vào ứng dụng UPTC sẽ xác định được nhà vệ sinh nơi gần nhất, xếp loại các WC gần đó trong tình trạng có sẵn giấy vệ sinh hay chưa, mức phí là bao nhiêu? Qua đó, người dùng sẽ chọn được nơi phù hợp nhất với nhu cầu. Trong khi đó, hệ thống WC sẽ gửi các báo cáo theo thời gian tới nhà khai thác địa phương về chất lượng không khí, độ ẩm và mức độ mùi.
Nhằm phục vụ cho nhu cầu cụ thể của khách du lịch, nhiều nhà vệ sinh đô thị còn được bổ sung tính năng thúc đẩy tiêu dùng như wifi miễn phí, máy ATM hay trạm sạc điện thoại.
Thậm chí, một số nhà vệ sinh ngoài TV màn hình phẳng hay tủ lạnh còn có hệ thống nhận dạng khuôn mặt nhằm ngăn chặn hành vi trộm cắp giấy vệ sinh.
Vài năm trở lại đây, "cuộc cách mạng nhà vệ sinh" vẫn tiếp tục phát triển tại "quốc gia tỷ dân", mang tới cải thiện chất lượng tối đa cho người dân và du khách.
"Nhà vệ sinh không chỉ liên quan cải thiện môi trường du lịch, còn là thước đo trong sự tiến bộ xã hội", ông Lou Xiaoqi, Chủ tịch điều hành của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, đưa ra quan điểm.