Tranh cãi: Sứa khổng lồ hay sinh vật ngoài hành tinh?

(Dân trí) - Một gia đình người Anh khi đang đi dạo trên bờ biển vô tình phát hiện ra sinh vật lạ gây tranh cãi. Nhiều người không biết nên gọi đó là sứa khổng lồ hay sinh vật ngoài hành tinh.

Tranh cãi: Sứa khổng lồ hay sinh vật ngoài hành tinh?

Một sinh vật giống như vật thể ngoài hành tinh dạt vào bờ biển New Zealand dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận. Được biết, anh Adam Dickinson, 31 tuổi, du khách người Anh khi đang đi dạo trên bãi biển cùng vợ con, vô tình phát hiện ra sinh vật kỳ lạ này.

Sinh vật lạ được gia đình người Anh tìm thấy bên bờ biển New Zealand
Sinh vật lạ được gia đình người Anh tìm thấy bên bờ biển New Zealand

Theo hình ảnh chụp lại, đó là một sinh vật với những đốm màu tím xếp theo vòng tròn, bao quanh một vòng như thạch trắng hình mặt trời. Cơ thể nó như khối thạch dẻo khổng lồ có màu hồng đỏ, thu hút sự chú ý của những người dạo trên biển.

Anh Adam cho biết, cả gia đình 4 thành viên đang tản bộ trên bãi biển Pakiri, cách Auckland chừng 42 dặm về phía bắc, thì gặp loài vật này trên bờ. “Chúng tôi thấy khoảng 100 con sứa đang nằm dọc theo bãi biển. Sau 1 giờ đi bộ, tôi giật mình khi nhìn thấy. Nó gần như người ngoài hành tinh vậy”, anh Adam nói.

Thoạt nhìn, nó như một khối thạch màu hồng đỏ khổng lồ
Thoạt nhìn, nó như một khối thạch màu hồng đỏ khổng lồ

Sau đó, sinh vật lạ được chuyển tới Viên nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia của New Zealand. Tại đây, các nhà khoa học đã xác định sinh vật lạ chính là loài sứa bờm sư tử. Đây là loài sứa nổi tiếng nhất và cũng có kích thước lớn nhất thế giới. Khi ở dưới nước, những xúc tu của sinh vật có thể kéo dài tới hơn 30m - dài hơn một con cá voi xanh.

Sứa bờm sư tử có những xúc tu dài, có thể kéo dài hơn 30m, dài hơn một con cá voi xanh
Sứa bờm sư tử có những xúc tu dài, có thể kéo dài hơn 30m, dài hơn một con cá voi xanh

Sứa bờm sư tử là loài sứa lớn nhất trong các loài sứa được biết tới. Phạm vi phân bố của chúng giới hạn ở vùng nước lạnh, phương bắc của Bắc Cực, phía bắc Đại Tây Dương và phía bắc Thái Bình Dương. Dưới phần đầu hình nấm của loài sứa này có các sợi mảnh dài tạo thành xúc tu. Tuy nhiên, khi lên bờ, thân hình chúng xẹp xuống, khiến người ta dễ liên tưởng tới sinh vật ngoài hành tinh.

Huy Hoàng

Theo TS