Trắng đêm xem… rùa biển đẻ trứng ở Côn Đảo
Côn Sơn là một hòn đảo vô cùng xinh đẹp và thanh bình, nơi có Vườn Quốc gia và là Ramsar thứ 6 và cũng là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Nhắc tới Côn Đảo, người ta luôn nghĩ tới hình ảnh một vùng đất xa xôi của Tổ quốc - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử với những địa danh như Hàng Dương, nhà tù…
Nhưng ở Côn Đảo còn có thảm thực vật vô cùng phong phú với sức sống mãnh liệt, là một trong những khu đất ngập nước quan trọng (Ramsar) của thế giới và ở đây còn có một mùa hồi sinh của rùa biển (hay còn gọi là vích) - loài sinh vật cổ đại của đại dương có mùa đẻ trứng diễn ra từ tháng 5 tới đầu tháng 10…
Khu ramsar biển đầu tiên của Việt Nam
Tới Côn Đảo bằng đường thủy, tàu cập Bến Đầm lúc 6h sáng sau một hành trình dài 12 tiếng trên biển, Côn Đảo đón chúng tôi với thời tiết đẹp, khắp nơi nhuộm một màu nắng. Trên đường đi, chúng tôi có thể thấy các hòn đảo nhỏ xung quanh đảo chính Côn Sơn: Bảy Cạnh, Bãi Dương, Hòn Cau, Hòn Tài, Hòn Tre lớn.
Côn Đảo đẹp hoang sơ (ảnh: DLVN).
Côn Sơn là một hòn đảo vô cùng xinh đẹp và thanh bình, nơi có Vườn Quốc gia và là Ramsar thứ 6 và cũng là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Khu vực trung tâm đảo rất nhỏ, lòng vòng xe máy chút là bạn đã quay về điểm xuất phát. Ở đây, bạn có thể tham quan chùa núi Một, thưởng thức món nước é ngon tuyệt và ngắm cảnh Côn Đảo từ trên cao. Sau khi thăm các công trình lịch sử và bảo tàng, nhớ ghé cơm gà ở chợ Côn Đảo và lên lịch trình viếng mộ Cô Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Tham gia khóa huấn luyện cơ bản về cứu hộ rùa biển do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức, chúng tôi được tận mắt chứng kiến trên tất cả các đảo nơi rùa đẻ trứng, đều có trạm kiểm lâm và công việc của các anh ngoài tuần tra biển, bảo vệ hệ san hô còn có thêm nghề… “bà đỡ” vào mùa rùa đẻ trứng.
Nín thở xem… rùa đẻ
Chúng tôi trở thành “bà đỡ” ngay trong đêm đầu tiên ra đảo khi anh Nghĩa, Phó trạm Kiểm lâm, người được phân công trực rùa ngày hôm đó thông báo “có rùa lên”. Ngay lập tức, chiếc đèn pin duy nhất dùng để ăn cơm được tắt đi. Mọi người ra sân đứng quan sát. Anh Nghĩa hướng dẫn chúng tôi cách nhận biết rùa lên đẻ.
Lỗ rùa đẻ trứng. |
Thông thường vào buổi chiều, rùa sẽ thăm bãi từ xa, để tối, khi thủy triểu lên, chúng sẽ lên dò bãi và lót ổ đẻ trứng. Trong bóng tối, thật khó để nhìn thấy rùa, nhưng khi quen dần, sẽ nhìn thấy một vật màu đen đang di chuyển, kéo theo một vệt đen phía sau chính là đường đi của chúng. Một tối ở hòn Tài trung bình có 2 - 5 con lên dò bãi và thường có một con đẻ thành công. Vì hòn Tài bé, bãi cát bé nên số lượng rùa lên đẻ ít hơn so với các đảo khác.
Việc di chuyển từ dưới biển lên cho đến lúc tìm được chỗ tốt để đẻ, rồi hoàn thành quy trình đẻ trứng diễn ra khoảng hai tiếng. Nếu lên bãi mà rùa cảm thấy không an toàn, không tìm được chỗ thích hợp, chúng sẽ bỏ đi. Bởi vậy, trong quá trình rùa lên đẻ và đào ổ, tất cả phải im lặng, không được tạo ra ánh sáng trắng nào, nếu không, rùa nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh sẽ sợ và bò về biển. Với những con rùa “mót đẻ”, quá trình đào ổ và đẻ trứng sẽ diễn ra nhanh hơn. Khi rùa làm ổ, các cán bộ kiểm lâm thường tiếp cận chúng từ phía sau, dùng cọc đánh dấu lỗ rùa sẽ đẻ trứng, để sau khi rùa lấp ổ, còn biết được vị trí để di dời trứng vì lỗ đẻ trứng của rùa rất khó xác định sau khi rùa mẹ đã lấp ổ.
Du khách thích thú chờ đợi xem cảnh rùa đẻ trứng.
Trứng rùa có kích thước nhỏ (ảnh: VTV)
Do bản năng sinh tồn, chúng phải giấu ổ để tránh sự đe dọa từ các loài khác. Mỗi lỗ rùa tạo ra để đẻ trứng rộng khoảng 20 cm, sâu 60-80 cm và chứa được 50-180 trứng. Mỗi quả trứng như quả bóng bàn, hơi mềm.
Với loài rùa, phải đến 30 tuổi mới có thể sinh sản và mỗi mùa sinh sản, rùa có thể đẻ khoảng hai đến năm ổ trứng. Những năm tiếp theo, chúng sẽ trở về đúng nơi đó để đẻ và đến nay, khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng này.
Trong quá trình rùa lấp ổ, cán bộ kiểm lâm sẽ đo hoặc gắn thẻ cho rùa để phục vụ việc nghiên cứu và theo dõi rùa trong khu vực Vườn Quốc gia.
Rùa lấp ổ rất khéo, lúc đầu bằng bơi sau, rồi lại dùng hai bơi trước quạt cát lấp tiếp, rồi bò xuống biển. Các kiểm lâm bắt đầu chuyển sang công đoạn di dời ổ trứng bằng tay. Việc di dời ổ trứng phải được tiến hành càng sớm càng tốt, vì sau 6 tiếng mới chuyển thì ổ trứng sẽ bị hỏng.
Trứng rùa nếu đủ điều kiện, sau khoảng 50 ngày thì nở. Rùa con sẽ chờ nhau nở hết rồi đồng loạt chui lên khỏi tổ. Trung bình khoảng 80% trứng sẽ nở thành con non, nhưng do đạt đến độ trưởng thành chậm và có nhiều loài đe dọa nên ước tính tỉ lệ sống sót đến khi trưởng thành của rùa chỉ còn 1/1000. Bởi vậy, loài sinh vật cổ đại này của đại dương rất cần được bảo vệ.
Hiện tại chỉ có ở đảo Bảy Cạnh (đảo lớn nhất, nơi rùa lên đẻ nhiều nhất), nếu được sự đồng ý của Vườn Quốc Gia, bạn có thể xem rùa đẻ trứng và thả rùa con, nhưng việc này dần đang bị hạn chế bởi các nguy cơ đe dọa rùa.
Bạn có thể ra Côn Đảo bằng đường thủy, xuất phát tại Cảng Cát Lở ở Vũng Tàu với giá 150 nghìn/vé giường nằm. Mỗi ngày có một chuyến, vé ưu tiên bán cho những người dân trên đảo trước nên việc mua vé tàu hơi khó khăn với những bạn ở xa. Những ngày biển động thì tàu ngừng hoạt động. Đi đường hàng không thì có một số hãng khai thác đường bay TP HCM - Côn Đảo, Cần Thơ - Côn Đảo, các bạn có thể tham khảo giá của Vietnam Airlines hoặc của Vasco. Để di chuyển trên đảo, có thể thuê xe đạp, xe máy, nếu nhóm đông thì đi taxi hoặc có thể đi bộ. Cuộc sống ở Côn Đảo rất yên bình, không có dịch vụ chèn ép khách du lịch, bạn có thể đi chơi tự túc mà không phải theo tour. |
Theo Dương Quỳnh Anh
Báo Giao Thông