TPHCM sẽ kích cầu ngành du lịch ra sao trong năm 2023?
(Dân trí) - Năm 2023, TPHCM hứa hẹn sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 140.000 tỷ đồng.
Trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành du lịch TPHCM đang dần từng bước phục hồi. Mặc dù còn nhiều trở ngại nhưng năm 2023, TPHCM hứa hẹn sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 140.000 tỷ đồng.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đã có những chia sẻ với Dân trí về những giải pháp để kích cầu ngành du lịch trong thời gian tới.
Thưa ông tình hình phục hồi ngành du lịch của TPHCM đang diễn ra như thế nào?
Đến thời điểm hiện nay, ngành du lịch TPHCM có thể được đánh giá đã phục hồi, với nhiều chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Kết quả đạt được của ngành du lịch trong thời gian qua chứng minh ngành du lịch thành phố đã định hướng phát triển phù hợp với xu hướng của du lịch Việt Nam và thế giới, đó là theo nhu cầu cũng như thị hiếu về sản phẩm du lịch của du khách.
Từ sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành du lịch thành phố vẫn bám sát xu hướng chung của thế giới là tập trung khai thác nguồn khách nội địa là chính. Đối với nguồn khách quốc tế trước mắt, tập trung hoàn thiện và liên tục bổ sung các sản phẩm dịch vụ trước, sau đó sẽ bắt đầu khai thác mạnh từ quý 4 năm 2022.
Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, trong 11 tháng năm 2022, so với kỳ vọng thì khách du lịch nội địa đến TPHCM đạt gần 28 triệu lượt, tăng 11,9%; khách quốc tế đến TPHCM đạt 3,1 triệu lượt; tổng thu đạt 117.988 tỷ đồng, tăng 31%.
Trở ngại gì khiến lượng khách du lịch quốc tế đến TPHCM chưa đạt như kỳ vọng?
Đáng lo ngại nhất là sự hạn chế trong chính sách visa, khiến phần lớn lượng khách chọn các điểm đến lân cận là Bangkok hoặc Singapore.
Không ít doanh nghiệp đã đón được những đoàn khách từ thị trường Mỹ nhưng lại gặp khó khăn khi Việt Nam mới cho phép khách lưu trú 15 ngày. Trong khi đó, du khách muốn lưu trú tại Việt Nam lâu hơn.
Hiện, đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia) miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn. Việc Việt Nam chỉ cấp visa 15 ngày khiến doanh nghiệp khó tổ chức những đoàn quy mô lớn.
Thậm chí trong buổi họp Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Ả Rập Saudi đã phát biểu rằng Chính phủ nên có thay đổi về chính sách cấp Visa cho thị trường về độ dài lưu trú và miễn thị thực.
Đồng thời, hiện nay trên thế giới, những quốc gia xem trọng đóng góp cao của ngành du lịch đều có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa có, tạo rào cản cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ngoài ra, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa như mong muốn là do mùa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 năm nay kéo dài đến tháng 4 năm sau nên các tháng còn lại được xem là mùa thấp điểm.
Về nguyên nhân khách quan, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á là thị trường của du lịch Việt Nam và TPHCM vẫn đang siết chặt phòng chống dịch. Công tác quảng bá xúc tiến tại các Hội chợ du lịch quốc tế ở các nước chưa tổ chức trở lại, các thị trường lớn vẫn còn chưa mở cửa.
Khó khăn hơn nữa là các doanh nghiệp du lịch trong nước vẫn còn đang trong giai đoạn phục hồi, vì vậy từ đầu năm đến nay TPHCM vẫn chưa tổ chức được các chương trình biểu diễn lưu động, hay tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài.
Không dừng lại ở đó, lỗ hổng về nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những trở ngại hàng đầu. Sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng, số lượng.
Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương; thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề;…
TPHCM có những giải pháp gì để kích cầu du lịch?
TPHCM đã thành công triển khai hiệu quả chương trình mỗi quận, huyện 1 sản phẩm du lịch; khai thác 42 chương trình du lịch nội đô trải nghiệm ẩm thực địa phương, du lịch đường sông tìm hiểu lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch y tế, du lịch kết hợp mua sắm - nghỉ dưỡng, kinh tế đêm; công bố và ra mắt 20 sản phẩm tour du lịch của 19 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức nhiều sự kiện với quy mô lớn, được vinh danh trao giải là "Điểm đến kinh doanh du lịch hàng đầu" và "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu", "điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á" của WTA;…
Để khắc phục những hạn chế cũng như giúp du lịch TPHCM đột phá hơn, Sở du lịch sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế cuối năm, đặc biệt là sang năm 2023.
Cụ thể, Sở sẽ triển khai một số chương trình trọng điểm như: ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) để hỗ trợ các thủ tục xuất nhập cảnh cho các đoàn khách quốc tế; phối hợp với các hãng hàng không nhằm khôi phục và phát triển các thị trường du lịch gắn với một số đường bay quốc tế thường lệ tới các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Hoa Kỳ;…
Từ đó, đơn vị vận động doanh nghiệp đẩy mạnh thương thảo thu hút khách du lịch quốc tế từ 13 quốc gia được miễn thị thực đến Việt Nam; vận động, quảng bá du lịch, đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về du lịch MICE của Việt Nam; tham gia các sự kiện, hoạt động du lịch quốc tế để quảng bá điểm đến Việt Nam và TPHCM,…
Thị trường trong nước, Sở Du lịch sẽ tổ chức nghiên cứu chuẩn bị trước các dòng sản phẩm, dịch vụ qua chuỗi các hoạt động, lễ hội, sự kiện ngay sau ITE HCMC 18 như: Tuần lễ Du lịch TPHCM năm 2022; Ngày hội Khinh khí cầu, du thuyền và các hoạt động thể thao dưới nước; Giải Marathon Quốc tế TPHCM; Liên hoan ẩm thực và Lễ hội âm nhạc Quốc tế TPHCM Hozo,...
Năm 2023, ngành du lịch TPHCM đặt ra những mục tiêu gì?
Những kết quả trong năm 2022 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch trong nước. Đặc biệt sau tín hiệu mở cửa và bỏ test Covid-19 của Hàn Quốc, Nhật Bản, TPHCM hy vọng sẽ đón được lượng khách lớn từ hai thị trường này cũng như Ấn Độ.
Tình hình du lịch sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2023. Từ đó, TPHCM đặt ra mục tiêu, trong năm tới sẽ đón khoảng 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế; khách du lịch nội địa dự kiến khoảng 30-35 triệu lượt; mức tổng thu đạt 130.000-140.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, TPHCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chính sách cởi mở, thông thoáng trong việc cấp thị thực (visa) và có thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục. Bên cạnh đề xuất tạo thông thoáng cấp thị thực (visa) cần kéo dài thời gian triển khai chính sách hỗ trợ, như: Nhà nước tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì chính sách hỗ trợ này trong năm 2023.