Tới thăm thị trấn nơi 80% người dân sống dưới lòng đất
(Dân trí) - Một trong những thị trấn lạ nhất thế giới nằm ở phía Bắc của Nam Úc, nơi hầu hết người dân đều sống dưới lòng đất. Tránh khí hậu sa mạc khắc nghiệt, họ “di dân” xuống lòng đất và xây dựng nên một thị trấn ngầm đặc biệt.
Nằm tại khu vực phía Bắc của Nam ÚC là thị trấn ngầm đặc biệt mang tên Coober Pedy. Thị trấn kỳ lạ gồm nhiều đường hầm, nơi 80% cư dân sống dưới lòng đất, cách thủ đô Canberra chừng 1000 dặm.
Bắt đầu từ năm 1917 khi hoạt động khai thác đá quý xuất hiện và mở rộng rầm rộ tại đây, thu hút nhiều người cùng kiếm tìm. Sau Thế Chiến thứ I, những người lính trở về quê hương, bắt đầu tìm kiếm opal – một thứ khoáng vật quý, được ví hiếm hơn cả kim cương. Người thợ đào mỏ theo cách thủ công, dần dần dựng nên những ngôi nhà trong hầm để phục vụ việc khai thác.
Sau này, nhiều ngôi nhà trong lòng đất được hình thành Cư dân thị trấn cũng chuyển xuống sống dưới hầm để tránh cái nóng ngột ngạt oi bức vùng sa mạc. Thị trấn ngầm phát triển dần, có đủ cả nhà thờ, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, với những tiện nghi cần thiết như điện, nước, đường truyền mạng…Tuy nhiên, do khí hậu khô hạn nên tình trạng khan hiếm nước đôi lúc vẫn xảy ra.
Những ngôi nhà trong lòng đất được làm từ vật liệu chính là đá sa thạch với màu hồng nhạt đặc trưng, mang lại sự vững chãi, tránh cái nóng khắc nghiệt vùng sa mạc. Thậm chí có lúc, nhiệt độ ngoài trời lên tới 50 độ C, thì trong nhà vẫn ở nền nhiệt ổn định khoảng 24 độ C.
Hiện tại, việc khai thác khoáng vật opal bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có cả bảo tàng nghệ thuật ngầm, bên trong có nhiều tầng opal được lưu giữ lại, phản ánh một giai đoạn lịch sử của thị trấn. Ngày nay, Coober Pedy vẫn hút khách du lịch bởi vẻ đẹp kỳ lạ của một thị trấn ngầm trong lòng đất với nhiều điều thú vị ẩn chứa.
Hoàng Hà
Theo BI