Thưởng thức những món ăn chống ngấy sau Tết ở Sài Gòn
(Dân trí) - Sau những bữa tiệc Tết linh đình và thừa chất, thử những món ăn thanh nhẹ sẽ mang lại cảm giác ngon miệng.
1. Hủ tiếu
Hủ tiếu Nam Vang gắn với vùng đất Nam Vang của Campuchia. Đặc trưng của dòng hủ tiếu này chính là vị thơm, thanh ngọt của nước dùng, ăn kèm rau trụng. Bạn có thể ghé các quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Nguyễn Trãi để thưởng thức với giá 25.000-35.000 đồng một tô.
Hủ tiếu cá ăn nhẹ nhàng, thanh mát. |
Nếu như Hà Nội nổi tiếng với phở thì miền Nam có hủ tiếu. Đây là món ăn được yêu thích của người dân miền Nam với hương vị thanh ngọt của nước dùng. Có rất nhiều loại hủ tiếu như hủ tiếu Nam Vang, Mỹ Tho, hủ tiếu bò viên hay hủ tiếu cá nổi tiếng của người Hoa. Đây là món ăn rất thích hợp sau những bữa tiệc linh đình dịp Tết.
Món hủ tiếu cá dễ ăn bởi không ngấy, những sợi hủ tiếu nhỏ, mềm cùng với thịt cá, vài cọng rau rồi chan nước lèo, cho thêm vài cọng hành lá, ăn không biết ngán. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng chính nước dùng mới làm nên linh hồn món ăn, được ninh từ nước xương lợn và nấu từ cá nên vị thơm ngọt, đậm đà. Xì xụp miếng nước, căn miếng thịt cá chắc béo xen lẫn vị cay nhẹ của tiêu khiến bạn không khỏi xuýt xoa.
2. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là một món ăn rất thanh đạm, không có nhiều dầu mỡ, rất thích hợp với thời tiết oi nồng như hiện nay và thích hợp ăn sau dịp Tết. Món ăn này với những nguyên liệu đơn giản như thịt luộc, tôm hấp, bún và rau sống.
Thịt được luộc rồi thái thành từng lát mỏng, tôm sau khi hấp hoặc rang cho đậm đà thì lột bỏ vỏ, bỏ chỉ lưng và cắt thành 2 phần. Dưa chuột thái lát, một vài loại rau thơm cuốn lẫn cùng thịt, tôm và một chút bún.
Gỏi cuốn bắt mắt hấp dẫn với màu đỏ của tôm, màu trắng của bún. |
Nhưng món ăn này muốn ngon phải có nước chấm pha chuẩn vị, thường được chế bằng tỏi, dầu, một thìa tương, nước thịt luộc, đường... và đun thành một hỗn hợp sền sệt. Tùy từng quán mà có những cách gia giảm gia vị khác nhau. Khi ăn cho thêm chút ớt bằm nhỏ và đậu phộng giã nhỏ, ăn rất thú vị và chống ngán.
3. Bánh tráng phơi sương
Bánh tráng phơi sương có quy trình chế biến công phu, cầu kỳ và tinh tế được làm từ bột gạo. Khi xay bột người ta phải cho thêm chút muối để tạo vị mặn. Khi tráng bánh thì tráng làm 2 lớp nên có độ dày hơn so với các loại bánh tráng thông thường.
Để làm bánh ngon cũng lắm công phu. Sau khi tráng, bánh được đem phơi nắng cho đến khi chuyển màu và phơi sương trong một thời gian nhất định.
Bánh tráng phơi sương. |
Bánh tráng phơi sương thường ăn kèm với rau sống, thịt heo luộc và chấm với nước mắm pha chế công phu. Bánh tráng mềm dẻo với lát thịt tươi ngon hòa cùng nước chấm đậm đà, cùng vị chát, chua của các loại rau tạo nên món ăn tuyệt hảo đầy lôi cuốn, mang một hương vị rất riêng.
4. Nộm sứa thịt bò cay giòn
Nộm sứa ăn rất lạ bởi những miếng sứa ăn sần sật, giòn giòn có vị đặc trưng. Nộm được rắc thêm tỏi chiên, lại càng thơm ngon và hấp dẫn. Ngoài ra, khi dùng đũa trộn lên, mới phát hiện ra món nộm còn là sự hòa quyện giữa những sợi su hào và nem chạo, rắc thêm chút thính.
Nộm sứa là món lai rai rất thú vị. |
Thịt bò khô cay cay cũng là thành phần không thể thiếu, tuy nhiên với món nộm này, nó lại được chăm chút hơn cả. Nộm sứa mang đến hương vị mát, dễ ăn giúp mang đến cảm giác ngon miệng cho người thưởng thức. Vì vậy, món ăn này thường được sử dụng nhiều trong những ngày sau Tết.
An An (TH)