Thưởng thức bánh dầy, chè kho trong lễ Tịch Điền
(Dân trí) - Bắt đầu từ năm 2009, khi lễ hội Tịch Điền được phục dựng người dân Đọi Tam càng tự hào hơn khi món ăn này được chọn để dâng lên bàn thờ Thần nông. Chè kho ngày tết tạo nên bản sắc riêng của một làng quê núi Đọi.
Ngày trước cứ vào dịp đầu xuân năm mới người dân Đọi Tam đều tổ chức ngày hội làng vào ngày 7 tháng giêng và không quyên món bánh dầy, chè kho để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.
Trước đây người dân Đọi Tam thường tổ chức giã bánh dày theo từng ngõ nhỏ, tạo nên không khí vui vẻ, nhộn nhịp.
Nguyên liệu chính để làm bánh dày là gạo nếp. Nếu là nếp cái hoa vàng thì càng ngon, còn không thì chọn loại gạo nếp hạt đều, tròn mẩy, không lẫn đem đãi sạch, dùng nước mưa ngâm 2 ngày vớt ra để ráo rồi đem đồ thành sôi. Khi sôi chín cho vào cối đá giã.
Lực lượng chính để giã bánh dày thường chọn thanh niên trai tráng khỏe mạnh. Cứ 2 người giã, một người bắt bánh. Người bắt bánh cũng có vai trò rất quan trọng phải là người có kinh nghiệm và thường là nam giới trung tuổi.
Những người có kinh nghiệm ở vùng núi Đọi Tam cho rằng, để có đồng bánh dầy ngon, mịn thì người bắt bánh trước tiên phải xoa mỡ vào tay để bánh không bị dính, 2 tay phải vê tròn, đều và không cón càm giác dính, sau đó đặt bánh dầy xuống là chuối và nhất thiết phải chọn lá chuối tây bánh tẻ mới không bị đắng.
Món ăn không thể thiếu cùng với bánh dầy đó là chè kho hay còn gọi là chè con ong và được làm trước bánh dầy. Việc đầu tiên đó là khâu chọn đỗ nhất thiết phải là đỗ tằm cũng phải đem ngâm trước 1 ngày rồi đãi sạch vỏ cho vào nồi đồ lên.
Đậu xanh phải chọn loại hạt mẩy, lòng vàng. Sau khi mua về phải nhặt hết hạn sâu, hạt lép hay hạt nhọn đít, là những hạt dù nấu kỹ tới đâu cũng không thể chín. Những hạt đậu thơm ngon nhất sẽ được ngâm trong nước khoảng 12 tiếng sau đó đãi sạch vỏ rồi đem ra phơi thật khô.
Chính vì việc chuẩn bị khá lâu nên thường các bà, các mẹ chuẩn bị làm từ trước Tết để có thể đón những cơn nắng hiếm hoi của mùa xuân. Đậu xanh sau khi phơi khô sẽ được xay thành bột mịn rồi mới gói kín, cất lên nóc tủ trong nhà.
Ngày Tết, người ta lấy thứ bột mịn đổ từ từ vào nồi nước đã đun cùng mật. Công đoạn khó nhất của nồi chè kho là phải đảo đều để không bị khê.
Sau khi đỗ chín nục dưới bàn tay tài hoa của những người phụ nữ sẽ cho tiếp dường kính, dầu chuối vào trộn đều sẽ có được những bát chè kho màu hanh vàng đặc trưng và hương thơm của mùi dầu chuối.
Khi ăndùng dao cắt từng đồng bánh dầy kéo dãn cho mỏng sau đó cho chè kho vào trong và cuộn lại sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngậy của chè kho, độ dẻo của bánh dầy quyện vào nhau.
Theo các cụ cao niên trong làng thì phong tục làm bành dày, chè kho có từ bao giờ không ai được biết, chỉ nghe kể lại đó là từ khi còn chống giặc ngoại xâm, để có lương thực nuôi quân và lưu giữ được lâu mọi người đã nghĩ ra việc lấy gạo nếp đem giã nhuyễn nặn thành từng chiếc bánh để tiếp tế lương thực cho quân đội, cùng với đó làm theo món chè kho ăn kèm cho đỡ ngán. Từ đó món bánh dày, chè kho lưu truyền cho đến tận ngày nay.