Thị trấn cấm người dân được chết và lý do "rợn người" phía sau

(Dân trí) - Lo sợ nguy cơ bệnh dịch có thể lan tràn khắp cộng đồng khi thi thể người chết tại đây không thể phân hủy như bình thường, một thị trấn nhỏ ở Na Uy đã nghiêm cấm người dân được chết ngay tại quê hương. Điều luật này đã áp dụng từ cách đây hơn nửa thế kỷ trước.

Thị trấn cấm người dân được chết và lý do "rợn người" phía sau

Tại thị trấn Longyearbyen nằm trên quần đảo Svalbard (Na Uy), nơi sinh sống của khoảng 2.000 người. Chính quyền địa phương đã đóng cửa nghĩa trang và ban hành điều luật kỳ lạ: nghiêm cấm cư dân được chết tại quê hương kể từ những năm 1950 của thế kỷ trước.

Với những người ốm yếu sắp lâm chung, họ được đưa lên máy bay để về đất liền an táng. Điều này khiến du khách rất tò mò tìm hiểu lý do phía sau luật lệ đặc biệt này.

Chết tại thị trấn Longyearbyen, Na Uy, được coi là hành vi phạm pháp
Chết tại thị trấn Longyearbyen, Na Uy, được coi là hành vi phạm pháp

Tọa lạc tại quần đảo Svalbard cách Bắc Cự không xa, bởi vậy khí hậu tại thị trấn Longyearbyen vô cùng khắc nghiệt. Vào tháng 2, nhiệt độ trung bình tại đây vào khoảng -15 độ C, thậm chí có lúc hạ kỷ lục xuống -32độ C. Điều này đồng nghĩa với việc, những thứ chôn dưới lòng đất cũng trong trạng thái đóng băng vĩnh cửu, dù mùa hè nhiệt độ có nhích lên đôi chút.

Đây là nơi có cuộc sống rất khắc nghiệt
Đây là nơi có cuộc sống rất khắc nghiệt

Quay trở lại câu chuyện của lịch sử. Năm 1918, một đại dịch cúm hoành hành khắp châu Âu khiến hàng trăm triệu người mắc. Khoảng 100 triệu người tử nạn vì nó, trong số đó có những cư dân ở thị trấn Longyearbyen. Dịch cúm sau này được dập tắt. Người ta cũng chôn những nạn nhân tử vong vì mắc cúm. Mọi chuyện tưởng như đã kết thúc.

Lớp băng dày vĩnh cửu trên mặt đất khiến thi thể người chết không thể phân hủy
Lớp băng dày vĩnh cửu trên mặt đất khiến thi thể người chết không thể phân hủy

Thế nhưng, nhiều năm sau, các nhà nghiên cứu vô tình phát hiện những tử thi này không bị phân hủy bởi lớp đất đóng băng bảo quản xác quá tốt. Thậm chí, virut cúm trong người nạn nhân cũng không mất đi. Lo sợ bệnh dịch tiếp tục phát tán, năm 1950, chính quyền địa phương đã đưa ra điều luật mới: không cho phép mai táng tại vùng đất của thị trấn, đồng nghĩa với việc "cấm chết".

Đó là lý do chính quyền địa phương ban hành luật cấm chết
Đó là lý do chính quyền địa phương ban hành luật "cấm chết"

Giải thích về điều luật này, chuyên gia Jan Christian Meyer đến từ ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy cho hay, "lớp băng tuyết vĩnh cửu không chỉ bảo quản tử thi không phân hủy, còn đẩy trồi lên mặt đất. Bởi vậy, khi có ai đó sắp qua đời, họ được đưa vào đất liền".

Những ai sắp chết sẽ được đưa vào đất liền mai táng
Những ai sắp chết sẽ được đưa vào đất liền mai táng

Tuy nhiên, luật "cấm chết" ở Longyearbyen ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi điều kiện sống tại đây rất khắc nghiệt. Nhiều hiểm họa tự nhiên luôn rình rập đe dọa cuộc sống người dân. Cũng tại Longyearbyen thường xuyên xuất hiện việc gấu Bắc Cực tấn công con người. Bởi vậy, người dân được khuyến cáo luôn mang sẵn vật dụng để bảo vệ bản thân.

Hoàng Hà

Theo CT/WK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm