Thị thực du lịch: Cần thông thoáng để phát triển

Hiện nay, nhiều nước thực hiện nới lỏng chính sách visa như là biện pháp hàng đầu để thu hút du khách quốc tế. Với Việt Nam, kinh nghiệm của thế giới cần được xem xét để phát triển thị trường du lịch.


Khách du lịch tại Văn Miếu (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN.

Khách du lịch tại Văn Miếu (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN.

Thủ tục phức tạp

Thực tế cho thấy, tâm lý khách du lịch đều coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí, gồm chi phí trực tiếp (lệ phí) và gián tiếp (thời gian chờ đợi, quy trình cấp). Chính vì vậy, chính sách thị thực trở thành một trong những vũ khí cạnh tranh quan trọng giữa các quốc gia trong việc thu hút du khách quốc tế.

Thủ tục phức tạp và chi phí visa cao là nguyên nhân gây thất thoát hàng tỉ USD cho ngành du lịch của nhiều nước. Theo Nghị viện Châu Âu từng thừa nhận, chính sách visa hà khắc có thể làm mất đi khoảng 250.000 việc làm và 12,6 tỉ Euro (tương đương 13,8 tỉ USD) cho nền kinh tế EU.

Hiện chi phí xin visa vào Việt Nam thấp nhất là 25USD, với khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 (trong số này đã có không ít khách đến từ những nước ASEAN được miễn visa), số tiền mà Việt Nam thu từ khoản này không lớn. Tuy nhiên, lo ngại mất nguồn thu này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều năm qua chúng ta rất khắt khe trong việc miễn visa cho du khách quốc tế.

Ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch nhìn nhận thẳng thắn, nếu cứ lo mất khoản phí visa mà siết thị thực là gây khó khăn. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2017 đạt 510.000 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều lần so với số thu từ phí visa.

“Chưa kể khi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từ Chính phủ, các địa phương cho tới các doanh nghiệp đã đổ rất nhiều nguồn lực, nhân lực để xây dựng môi trường du lịch trong nước. Từ hệ thống khách sạn, đường xá, sản phẩm du lịch... đều được nâng cấp. Do đó, chỉ vì việc gây khó trong việc cấp thị thực mà chúng ta đã tự tạo ra hàng rào chặn tiền cũng như gây lãng phí nguồn tài nguyên, nguồn đầu tư tại chỗ…” - ông Đức nhấn mạnh.

Cần sự thông thoáng

Là người có thâm niên trong ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Cty Vietravel nhận định rằng, hiện đang có những vấn đề xung đột lợi ích và xung đột nhận thức trong phát triển du lịch. Vấn đề không chỉ nằm ở vài chục USD phí visa mà ở sự thông thoáng.

“Tại sao các nước Châu Âu phải bỏ hết hàng rào thuế quan để tạo sự thoáng cho giao thương phát triển? Những điểm tham quan không thu vé đông hơn rất nhiều so với những điểm bán vé. Chúng ta không thu vé vào cửa nhưng khách đã vào rồi thì mọi cái đều có thể ra tiền. Còn một khi đã gây cảm giác khó chịu, khách không vào thì bên trong có đẹp thế nào, dịch vụ có tốt đến đâu cũng là con số 0” - ông Kỳ nói.

Đồng quan điểm trên, ông Lương Hoài Nam - Phó TGĐ Vietstar Airlines - nhấn mạnh, một trong những lý do cản trở du khách đó là visa: “Chương trình miễn thị thực du lịch không phải là có đi, có lại. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan miễn thị thực cho 57 nước, nhưng công dân Thái Lan chỉ được miễn thị thực đến 46 nước. Indonesia miễn thị thực cho 168 nước, công dân Indonesia chỉ được miễn ở 40 nước. Philippines miễn thị thực cho 159 nước, ngược lại họ chỉ được miễn đến 41 nước.

Theo nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia đã giúp ngành du lịch có thêm 10,1% tăng trưởng. Ngoài ra, sự tăng trưởng của du lịch sẽ có tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác như hàng không, xuất nhập khẩu và tạo thêm việc làm trong xã hội.

Theo Hồ Hạ

LĐO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm