Thất thu vì virus corona, ngành du lịch kiến nghị giảm thuế
(Dân trí) - Ngoài việc hỗ trợ về thuế, các doanh nghiệp cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch nội địa cũng như tìm kiếm thêm các thị trường khách mới ngoài thị trường nguồn là Trung Quốc.
Tại hội nghị bàn về Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona đối với du lịch Việt Nam do Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức vào chiều 5/2 tại Hà Nội, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành ước tính thiệt hại do virus corona đối với ngành du lịch có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng
Cụ thể du lịch Việt Nam từ vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12 năm 2019, đầu tháng 1-2020 ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh do virus Corona. Tình trạng hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… diễn ra phổ biến.
Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch bệnh đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì, do vậy, nhiều khách du lịch hiện nay còn đang mắc kẹt tại một số điểm đến như Khánh Hòa, Đà Nẵng… Các doanh nghiệp đang phải "gồng mình" vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh.
Do vậy, có thế xem đây là một cuộc “khủng hoảng” tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Doanh nghiệp du lịch đồng loạt kiến nghị Nhà nước hỗ trợ thuế
Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Lào Cai cho biết, thị trường mục tiêu của Lào Cai là khách Trung Quốc, nên ngành du lịch của tỉnh thiệt hại rất lớn.
Có tới 15.000 lao động trong lĩnh vực du lịch đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì không có khách.
Hiện tỉnh Lào Cai đang tính đến việc chú trọng tìm thêm các nguồn khách mới từ các nước khác, để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng xúc tiến, phát triển du lịch nội địa.
Về các giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Du lịch Lào Cai đề xuất và bày tỏ mong muốn Hiệp Hội Du lịch Việt Nam có ý kiến lên Chính phủ xem xét giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải du lịch để gián tiếp hỗ trợ cho lực lượng lao động đông đảo trong ngành du lịch.
Ngoài thất thu nguồn khách do dịch bệnh, nhiều đơn vị lữ hành cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng khách hủy tour nhiều, đòi tiền đặt cọc nhưng khi doanh nghiệp làm việc với các đối tác thì nhiều nơi, kể cả các hãng hàng không, nhà hàng… lại không đồng ý hoàn trả phí. Điều này gây ra tổn thất rất lớn đối với doanh nghiệp.
“Dịch bệnh là bất khả kháng, việc hủy tour không phải lỗi của doanh nghiệp nhưng nhiều đơn vị lại cho rằng việc hoàn vé hủy, tiền đặt cọc phải theo quy định, không phải cứ hủy là được hoàn trả phí.
Chúng tôi cũng mong, các cơ quan chức năng có những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lúc này”, đại diện một đơn vị nói.
Không nhất thiết phải tạm dừng đón khách ở các điểm tham quan, danh lam thắng cảnh
Ngoài việc hỗ trợ về thuế, các doanh nghiệp cũng kiến nghị lãnh đạo ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch nội địa cũng như tìm kiếm thêm các thị trường khách mới, tiềm năng, ngoài thị trường nguồn là Trung Quốc.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, các thị trường khách từ các nước: Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản… có tiềm năng, là dòng khách chi tiêu cao nhưng thời gian qua chưa được khai thác tốt.
“Dịch virus corona không hề ảnh hưởng đến việc chúng tìm kiếm các thị trường khách mới này. Theo tôi, đây là việc cần phải làm ngay, song song với đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn.
Ngoài ra, có chính sách miễn thuế, giảm VAT, visa để thu hút và kích cầu khách đến nhiều hơn. Những chính sách này sẽ tạo đà giúp ngành du lịch có thể sẵn sàng vươn lên với một vị thế mới ngay khi dịch bệnh kết thúc”, ông Bình nhìn nhận.
Liên quan đến việc tạm dừng hoạt động các di tích, lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo yêu cầu của Bộ VHTT&DL, các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng điều này là chưa cần thiết và có thể gây ra tâm lý hoang mang cho du khách, khi thực tế tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt.
“Vừa qua, Hà Nội tạm dừng đóng cửa một loạt các di tích lịch sử, đền chùa… đã gây ảnh hưởng rất lớn. Điều này khiến toàn bộ các doanh nghiệp lữ hành phải khổ sở, chật vật xoay sở thay đổi lịch trình tour. Ngoài ra, với những khách chuẩn bị đến Việt Nam, quyết định này cũng khiến họ thay đổi, tìm một điểm đến khác thay thế.
Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang được kiểm soát, tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết phải dùng các biện pháp quá mạnh như vậy”, ông Nguyễn Công Hoan Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ với Dân trí.
Ông Hoan cho rằng, giữa diễn biến của dịch bệnh ngành du lịch cần phải có những chính sách, văn bản cụ thể thay vì những khuyến cáo chung chung, gây “rối” và hoang mang cho cả doanh nghiệp lẫn khách du lịch.
“Tôi lấy ví dụ gần đây có khuyến cáo là: Người dân nên hạn chế đi du lịch để tránh dịch bệnh. Thực tế, hiện nay ngoài Trung Quốc có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố dịch virus corona, nhưng tỷ lệ người mắc bệnh so với quy mô dân số là ít.
Các nước cũng kiểm soát dịch khá tốt. Vậy chúng ta nên có những khuyến cáo cụ thể hơn, ví dụ khoanh vùng, khuyến cáo người dân không nên đến vùng nào, vùng nào là an toàn, để họ có chọn lựa. Ngay tại các điểm du lịch của Việt Nam cũng cần phải có những khuyến cáo cụ thể như vậy ”, ông Hoan nói.
Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị du lịch cũng cho rằng, các thông tin, chính sách cần rõ ràng, cụ thể, minh bạch tránh gây cảm giác lo ngại hoang mang, làm triệt tiêu nhu cầu đi du lịch của người dân, khiến ngành du lịch đã khó khăn nay càng thêm lao đao.
"Ngay lúc này rất cần ngành du lịch có các biện pháp cụ thể để kích cầu du lịch nội địa, tìm kiếm các thị trường khách mới cũng như có các dự báo, kịch bản về dịch bệnh để doanh nghiệp có các giải pháp đối phó, sớm vượt qua “khủng hoảng virus corona”, ông Phùng Quang Thắng, đại diện HaNoitourist chia sẻ với Dân Trí.
Hà Trang