Du lịch Việt Nam lao đao trong cuộc khủng hoảng "virus Vũ Hán"

(Dân trí) - Nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho rằng tác động của dịch viêm phổi virus corona đến ngành du lịch là nghiêm trọng và nặng nề hơn nhiều so với dịch SARS xảy ra vào 17 năm trước.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra đã khiến cho ngành du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Từ vị thế tăng trưởng lượng khách quốc tế cao kỷ lục năm 2019, ngay đầu tháng 1/2020, du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng “virus Vũ Hán”.

Du lịch Việt Nam lao đao trong cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán - 1

Dịch virus corona đã khiến cho lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Đức Anh

Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… diễn ra khá phổ biến. Theo ước tính của nhiều đơn vị du lịch, lữ hành, vận chuyển… thiệt hại từ dịch bệnh đến ngành du lịch có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Tại Hội nghị bàn về Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona đối với du lịch Việt Nam do Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức vào chiều 5/2 tại Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở du lịch Hà Nội ước tính, đến ngày 4/2 có khoảng 8.000 lượt khách ở Hà Nội hủy tour outbound tập trung chủ yếu ở thị trường Trung Quốc và hơn 8.000 lượt khách hủy tour inbound vào Hà Nội. Ngoài ra, có trên 3.000 khách cũng hủy các tour tham quan lễ hội du xuân trên địa bàn.

“Thời gian tới nếu dịch bệnh còn kéo dài thì chắc chắn thiệt hại với ngành du lịch nói chung và du lịch Hà Nội sẽ rất khó lường”, ông Hiếu đánh giá.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng cho rằng tác động của dịch viêm phổi virus corona đến ngành du lịch là nghiêm trọng và nặng nề hơn nhiều so với dịch SARS xảy ra vào 17 năm trước.

“Nếu dịch bệnh lần này chỉ kéo dài 3 tháng thì lượng khách giảm không quá nhiều nhưng nếu quá 3 tháng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn và hệ quả để lại sẽ phải rất lâu sau đó chúng ta mới có thể phục hồi lại được”, ông Hoàng Văn Tuyên – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai chia sẻ với Dân trí.

Du lịch Việt Nam lao đao trong cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán - 2

Tác động của dịch viêm phổi virus corona đến ngành du lịch là khá nặng nề

Lào Cai là tỉnh nằm sát với biên giới Trung Quốc, mỗi năm tỉnh đón trên 5 triệu lượt khách du lịch nên khi xảy ra dịch bệnh, ngành du lịch địa phương bị ảnh hưởng rất nặng.

“Lượng khách hủy tour du lịch ở Lào Cai hiện trên 10.000 lượt khách, các khách sạn, nhà hàng sụt giảm từ 30-50% doanh thu so với mọi năm, có trên 15.000 lao động làm trong lĩnh vực dịch vụ này cũng bị ảnh hưởng và có thể đối mặt với nguy cơ mất việc làm”, ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên hiện nay, Lào Cai đã tạm ngừng tiếp nhận khách Trung Quốc qua cửa khẩu và cũng tạm dừng việc xuất cảnh khách Việt Nam vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên không chỉ lượng khách đến từ Trung Quốc sụt giảm mà nhiều thị trường khách đến từ các nước: Mỹ, Anh, Hàn, Nhật… cũng giảm đáng kể.

“Thực tế thời điểm này, nhiều người vẫn có tâm lý e dè, ngại du lịch, đến chỗ đông người nên dù Lào Cai đã rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, trên địa bàn cũng chưa ghi nhận ca mắc nhiễm virus corona nào song các hoạt động du lịch vẫn khá trầm lắng”, ông Tuyên nói.

Du lịch Việt Nam lao đao trong cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán - 3

Một du khách nước ngoài chụp ảnh bên ngoài Văn Miếu Quốc Tử Giám khi di tích này thông báo tạm dừng bán vé vì virus corona. Ảnh: Đỗ Quân

Là một trong những địa phương phát hiện trường hợp mắc virus corona, Vĩnh Phúc cũng là địa phương “lao đao” và chịu ảnh hưởng nặng nề về du lịch khi du khách đồng loạt thông báo hủy tour. 

Theo ông Nguyễn Xuân Nhâm, đại diện Hiệp Hội du lịch Vĩnh Phúc, so với mọi năm lượng khách đến du lịch trong những tháng đầu năm ở Vĩnh Phúc đã giảm một nửa.

“Năm ngoái, ngay từ ngày mùng 2 Tết, đường lên Tam Đảo, Tây Thiên luôn tắc nghẽn vì dòng người đổ về tham quan, vãn cảnh quá đông nhưng năm nay thì không ghi nhận hiện tượng này, lượng khách nhìn chung vắng”, ông Nhâm chia sẻ với Dân trí.

Dịch bệnh không chỉ khiến các địa phương thất thu từ du lịch mà sự thiếu vắng khách du lịch cũng khiến cho nhiều đơn vị lữ hành phải “ngồi chơi, xơi nước” vì… không có việc làm.

Sự thiếu vắng khách du lịch từ thị trường Trung Quốc, sự sụt giảm của khách quốc tế từ các thị trường khác khiến doanh thu của các doanh nghiệp những tháng đầu năm giảm từ 50-80%, thậm chí nhiều đơn vị doanh thu bằng không.

Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá, nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài, sẽ có không ít doanh nghiệp du lịch lao đao, thậm chí phải đóng cửa vì thất thu do không có khách du lịch. Mục tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra của ngành du lịch cũng sẽ rất khó để thực hiện. 

Không chỉ Việt Nam, ngành du lịch Thái Lan cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng và thất thu lớn do dịch virus corona. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan, doanh thu ngành du lịch của nước này bị thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD trong năm nay. Mục tiêu năm 2020 thu hút 12 triệu khách Trung Quốc đã bị “phá sản”, Thái Lan phải tạm dừng đón các tour khách từ thị trường du lịch lớn nhất thế giới này.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm