Thái Lan “cắn răng chịu đựng” du khách Trung Quốc

“Đất nước Chùa Vàng” đang nhẫn nhịn đồng thời cố gắng tuyên truyền thay đổi trước những hành động thiếu ý thức của các du khách Trung Quốc nhằm tăng doanh thu từ ngành du lịch.

Phơi đồ lót ở đền thờ, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đá vào chuông chùa và rửa chân ở bồn rửa mặt… là những ví dụ về hành xử của khách du lịch Trung Quốc khiến người Thái Lan phật lòng.

Dưới đây là video về một người đàn ông Trung Quốc gây ra nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng.

Kanlaya Yimpreeda (29 tuổi), người bán vòng hoa dạo tại đền Erawan ở trung tâm của thủ đô Bangkok nhộn nhịp, kinh hãi chia sẻ: “Tôi từng thấy một cặp vợ chồng người Trung Quốc cho con đi tiểu ở gần đền thờ, ngay tại một trong những nơi linh thiêng nhất Bangkok".

Trong khi đó, ông Korn Ornprasert, một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu phàn nàn: “Du khách Trung Quốc không hề có kỷ luật. Họ vứt mẩu thuốc lá bừa bãi và đôi khi còn khạc nhổ ở nơi công cộng”.

Mới đây, phản ứng của dư luận đã buộc chính phủ Thái Lan phải ban hành hàng ngàn cuốn sách hướng dẫn về quy tắc ứng xử tại Thái Lan bằng tiếng Trung.

Vào tháng 3 vừa qua, một video ghi lại hình ảnh du khách Trung Quốc chen hàng ở sân bay được đăng tải lên mạng xã hội Facebook và làm dấy lên cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa cư dân mạng hai nước.

Một du khách Trung Quốc tại Hoàng cung ở Thái Lan. Ảnh: Reuters
Một du khách Trung Quốc tại Hoàng cung ở Thái Lan. Ảnh: Reuters


Thực tế là trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan đang được phục hồi sau vụ đảo chính xảy ra năm 2014, các công ty du lịch tại “Xứ sở của những nụ cười” này cho biết họ không còn cách nào khác ngoài việc mỉm cười và chịu đựng.

Du lịch đóng góp 7% cho GDP của Thái Lan và người Trung Quốc là nhóm khách nước ngoài lớn nhất tại đây. Ngoài ra, đất nước 1, 3 tỉ dân còn là đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan.

Đã có nhiều du khách Trung Quốc có những hành vi khiến nhiều quốc gia khác phải phàn nàn, điển hình như vào năm 2013, một thiếu niên người Trung Quốc đã viết bậy lên bức tượng tại một ngôi đền 3.500 tuổi ở Ai Cập dòng chữ: “Đinh Cẩm Hạo đã đến đây”. Còn tại Pháp, đài phun nước nổi tiếng ở Bảo tàng Louvre cũng bị biến thành nơi khỏa chân yêu thích của các vị khách Trung Quốc.

Đại tá Sansern Kaewkamnerd, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, cho biết gia tăng lợi nhuận từ du lịch là một ưu tiên của chính phủ nhằm bù đắp cho giá trị xuất khẩu thấp. Do đó, Thái Lan đành phải dung thứ cho các hành vi phạm lễ nghi này vì lợi ích của ngành công nghiệp “không khói”.

Năm ngoái, những cuộc biểu tình hàng tháng trời chặn kín nhiều con đường ở thủ đô đã khiến cho chính phủ phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại Bangkok và nhiều tỉnh lân cận. Sự việc này đã giáng một đòn lớn, gây tổn thất cho ngành du lịch Thái Lan.

Trung Quốc cũng nhận thức được sâu sắc hình ảnh của người dân nước mình ở nước ngoài. Vì vậy tháng Một vừa qua, giới chức nước này đã lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm giúp kiểm soát một số du khách “không biết điều” và giám sát những ai thường xuyên vi phạm.

Mei Zhang, người từng tham gia một tour du lịch năm ngày ở Thái Lan, cho biết cô không cảm thấy e ngại với những gì mọi người nhìn nhận về người Trung Quốc: “Chúng tôi bị mang tiếng ở nước ngoài, nhưng có lẽ mọi người đều sẽ nói những điều tương tự về người Nhật, và trước đó là người Mỹ. Một khi có quá đông khách du lịch tới từ một quốc gia, họ sẽ rất dễ bị chỉ trích.”

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), chỉ trong tháng 1/2015, Thái Lan đã tiếp đón hơn 560 nghìn du khách Trung Quốc, chiếm hơn 1/5 tổng số khách nước ngoài. TAT còn thiết lập tài khoản chính thức trên trang Weibo – trang mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc - với các nhân viên thành thạo tiếng Trung túc trực 24/24 để tương tác với du khách.

Vì lợi ích của ngành du lịch nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế Thái Lan, ông Sansern khẳng định cả hai nước cần phải mềm mỏng trong vấn đề này: “Chúng ta là chủ nhà, phải thích ứng, và khách hàng của chúng ta cũng phải thích nghi.”

Theo Ngân Anh

Baotintuc.vn/Reuters