Sức sống mới ở nơi từng là “địa ngục trần gian”
(Dân trí) - Từng được ví như địa ngục trần gian thì nay, không quá lời khi gọi Côn Đảo là thiên đường mặt đất bởi cảnh đẹp hữu tình, làm say lòng người.
Tháng 6, trong tiết nắng đẹp, Côn Đảo bồng bềnh sóng nước, với những con sóng như khẽ mơn man vỗ mạn thuyền. Nước xanh ngắt tưởng chừng có thể nhìn xuống đáy sâu thẳm thẳm, chạy dài tít tắp đến tận trân trời xanh, bồng bềnh mây trắng.
Ánh nắng càng chói chang, Côn Đảo càng đẹp, thanh bình hơn với những hàng cây xanh, tô điểm những chùm phượng vỹ đỏ rực, hay bằng lăng tím mộng mơ, hoa sứ trắng tinh khôi.
Nhắc đến Côn Đảo là người ta nhớ đến những gốc bàng có tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi cây đều được gắn biển cây di sản, như một cách nhắc nhớ người ta về ký ức và quá khứ hào hùng của cha ông.
Đến với Côn Đảo mùa nào cũng đẹp, cái đẹp rất riêng không giống bất cứ vùng biển nào của Việt Nam. Nó thơ mộng, thanh bình với những bãi cát dài ngút ngàn, êm êm sóng vỗ.
Đó là bãi cầu cảng 914 gắn liền với những câu chuyện của quá khứ. Giờ đây, mỗi buổi chiều, hàng trăm du khách hòa mình trong làn nước trong xanh, như được biển cả vuốt ve đôi bàn chân bởi bờ cát phẳng lỳ hay những vạt rong biển thấp thoáng trong làn nước.
Đó là bãi Đầm Trầm, làng Cỏ Ống mang vẻ hoang sơ như thời tiền sử, nơi bạn có thể thỏa sức đắm chìm giữa khung trời bình lặng và chiêm ngưỡng những chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Và đó còn là bãi Ông Đụng nằm sâu giữa rừng quốc gia Côn Đảo dập dìu giữa tiếng sóng vỗ và tiếng muôn loài muông thú.
Côn Đảo là vùng đất tâm linh nên không thể không ghé chân nghĩa trang hàng dương với mộ người nữ anh hùng – chị Võ Thị Sáu cùng hàng nghìn chiến sĩ cách mạng khác. Hai ngôi nhà tưởng niệm chị Sáu nhỏ nhắn nhưng ấm cúng lúc nào cũng nghi ngút khói hương và bàn tay chăm sóc cần mẫn của lớp lớp thế hệ sau.
Và không thể không ghé chân nơi ghi dấu của địa ngục trần gian một thời: trại giam Phú Hải và Phú Tường để nhắc nhớ về một quá khứ oai hùng mà ai ai cũng có chung cảm giác vừa rợn người, vừa rưng rưng.
Đến Côn Đảo cũng không thể không ghé thăm ngôi đền thờ thứ phi của vua Gia Long – bà Phi Yến nằm khép mình giữa núi rừng với mái ngói đã nhuốm màu trầm mặc của thời gian. Đó còn là mộ của Hoàng tử Cải, nhỏ nhắn giữa bãi biển ông Đụng mà ai ai cũng ghé qua thắp nén hương cho người đã đi xa.
Mỗi ngày qua đi, Côn Đảo chuyển mình khác lắm. Đó là những khu phố xanh mát bóng cây. Đó là phố chợ tấp nập du khách, người bán kẻ mua. Đó là những sản vật của vùng đất thiêng: hạt bàng, những loài sản vật biển, hay những món đồ lưu niệm đặc trưng…
Côn Đảo vẫn đang tiếp tục chuyển mình sau những đau thương của lịch sử. Nhưng ai đã đặt chân lên vùng đất này một lần khi quay về sẽ lại nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” và sẽ còn muốn quay lại vùng đất xanh như ngọc này.