"Sống lại" làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá

Phùng Yến Minh Lê Hoàng Khánh Ngọc

(Dân trí) - Từ lâu nay, chuồn chuồn tre được làm bởi đôi bàn tay nghệ nhân Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành món đồ chơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người.

Đây chính là nơi ra đời của những chú chuồn chuồn tre nhiều màu sắc, được bán trên phố cổ hay các điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội.  

Làng nghề chuồn chuồn chuồn tre ra đời vào 20 năm trước. Ban đầu, trong làng chỉ có vài hộ làm phục vụ bán cho khách làm quà lưu niệm. Sau này, do cung không đủ cầu, nhiều gia đình trong làng cũng bắt tay vào làm, lâu dần nghề làm chuồn chuồn tre trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao.

Sống lại làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá - 1

Chuồn chuồn tre Thạch Xá có thể đứng thăng bằng trên những chiếc mỏ nhọn theo nguyên lý cân bằng trọng lực. Ảnh: Hà Hiền

Những họa tiết trên chú chuồn chuồn tre được chính người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ cuộc sống thôn quê của họ, tái hiện phong cảnh làng quê bình yên, tươi đẹp của Việt Nam. Ban đầu, chuồn chuồn tre chỉ được làm như món đồ chơi cho trẻ em trong làng, về sau chúng được bán làm quà lưu niệm cho các du khách đến thăm chùa Tây Phương.

Những chú chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đặc biệt ở chỗ, dù không được gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào, nhưng chúng lại có khả năng đứng thăng bằng một cách ngoạn mục ở mọi vật liệu. "Đức tính kiên trì là điều kiện đầu tiên để người thợ có thể tạo ra được một con chuồn chuồn tre đúng nghĩa và đạt chất lượng", anh Nguyễn Văn Tái, người nghệ nhân tại Thạch Xá tiết lộ.

Sống lại làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá - 2

Hiện tại, cả làng chỉ còn khoảng 4-5 hộ còn gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Ảnh: Hà Hiền

Theo đó, để cho ra đời một chú chuồn chuồn tre phải trải qua nhiều công đoạn như cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ.

Trong đó, khó nhất là khâu chắp cánh chuồn chuồn vào thân làm sao để tạo lực đối xứng cân bằng, giúp chúng có thể đứng thăng bằng trên mọi vật liệu. Không chỉ làm chuồn chuồn mà người dân làng Thạch Xá còn làm có cả con chim, bướm hoặc con công, con rùa.

Trước đây, cả làng Thạch Xá gần như hộ nào cũng làm chuồn chuồn tre để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa, người dân dần bỏ nghề thủ công truyền thống này chuyển sang các nghề kinh doanh khác mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Sống lại làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá - 3

Không chỉ làm chuồn chuồn, ông Liên còn sáng tạo làm các con vật khác như con chim, bướm, công, rùa… Ảnh: Hà Hiền

Hiện tại, cả làng chỉ còn khoảng 4-5 hộ còn gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Theo các nghệ nhân ở đây, nghề này mang lại thu nhập không cao. Mỗi chú chuồn chuồn bình thường được bán ra với giá 5.000 - 10.000 đồng, người nghệ nhân cũng chỉ lãi vài nghìn bạc ít ỏi trong khi việc làm thủ công lại tốn nhiều công sức.

Những năm gần đây, một số gia đình làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã phối hợp với nhiều tổ chức, trung tâm văn hóa, du lịch thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đồ chơi Việt cũng như tìm hướng đi cho chuồn chuồn tre ở thị trường nước ngoài.

Nhờ thế, ngoài việc phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch trong nước, chuồn chuồn Thạch Xá còn chinh phục được những bạn hàng khó tính ở Anh, Pháp, Nhật, Mỹ...  Đây có thể xem là hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ nhân trong bối cảnh nghề thủ công này đang dần mai một.

Thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, làng nghề chuồn chuồn Thạch Xá nên đẩy mạnh việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, vừa giúp quảng bá thương hiệu, vừa tạo ra nguồn thu. Người dân có thể đón khách tham quan, lưu trú kết hợp với hệ thống homestay.

Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc chung tay của các cấp ngành, các doanh nghiệp xây dựng các chương trình tour du lịch, quảng bá tiềm năng, thế mạnh làng nghề, triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với vùng lân cận giúp kết nối các điểm đến, tạo các sản phẩm tour du lịch chất lượng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…