Sóng biển đóng băng trong đợt lạnh kỷ lục tràn qua nước Mỹ
(Dân trí) - Đợt không khí lạnh kỷ lục tràn về nước Mỹ tạo nên nhiều cảnh tượng hiếm gặp. Một trong số đó, nhiếp ảnh gia ghi lại khoảnh khắc sóng biển đóng băng tại ngoài khơi bang Massachusetts.
Nước Mỹ đang trải qua đợt lạnh kỷ lục nhất trong lịch sử với nền nhiệt thấp ở mức tương đương với nhiệt độ trung bình bề mặt sao Hỏa. Cơn bão tuyết tấn công khiến nền nhiệt tại Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục. Thậm chí nhiều nơi còn phá vỡ kỷ lục của 100 năm trước.
Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, hiện nay nhiệt độ tại một số nơi xuống mức -50 độ C và còn có thể hạ tiếp. Chịu ảnh hưởng của đợt khí lạnh kỷ lục tràn vào bờ đông nước Mỹ tạo nên nhiều cảnh tượng hiếm gặp. Một trong số đó là hình ảnh những con sóng đóng băng ở Nantucket, Massachusetts .
Nhiếp ảnh gia Jonathan Nimerfroh đồng thời là vận động viên lướt sóng đã nhanh tay ghi được khoảnh khắc hiếm gặp này. “Du khách thậm chí có thể lướt trên sóng tựa như băng mềm”, anh nói.
Nimerfroh cho rằng bản thân rất may mắn khi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng lạ lùng này.
“Khi nhiệt độ hạ xuống âm hàng chục độ vào tuần trước, tôi cho rằng nhiều khả năng sóng Slurpee sẽ xuất hiện. Hôm 2/1, tôi lái xe tới bãi biển và thấy chúng đã xuất hiện”, nhiếp ảnh gia cho biết thêm.
Khi hai người bạn vẫn tranh thủ lướt sóng thì Nimerfroh nhanh tay chụp lại khoảnh khắc ấn tượng này. Anh cho biết, khi đó, nhiệt độ biển vào khoảng -11 độ C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ đóng băng của nước biển khoảng -2 độ C.
Theo nhà nghiên cứu hải dương học Carin Ashjian đến từ Viện Hải dương học Woods Hole, tại những nơi nhiệt độ đóng băng, các tinh thể băng bắt đầu hình thành trong sóng biển.
Nhiếp ảnh gia Nimerfroh cho rằng, cảnh tượng sóng biển đóng băng là điều hiếm gặp. “Sóng slurpee là hiện tượng bạn rất may mắn mới nhìn thấy. Còn tôi thậm chí được tận mắt nhìn thấy tới 2 lần”. Trước đó, nhiếp ảnh gia người Mỹ từng ghi lại khoảnh khắc những con sóng đóng băng vào tháng 2/2015.
Các nhà khoa học cũng nhận định, sóng biển đóng băng rất hiếm gặp bởi nước bắn tung sẽ làm vỡ băng. Ngoài ra, việc sóng biển đóng băng sẽ tan biến rất nhanh. Nhiếp ảnh gia Nimerfroh cho biết, những con sóng băng sẽ tan chảy sau chừng 3 giờ.
Hoàng Hà
Theo LS/WK