Rừng sâm Ngọc Linh 250 tỷ trên đỉnh trời ngàn mét
Ở độ tuổi từ 12 đến 15, cứ 20 gốc sâm cho 1 kg thì cả vườn sâm của ông cho khoảng 6,5 tấn. Với mỗi kg sâm giá từ 40 đến 50 triệu đồng ông đã có trong tay 250 tỷ đồng.
35 năm sống chết với sâm Ngọc Linh
Nếu Tây Giang có cây sâm ba kích thì ở đỉnh trời Ngọc Linh của Quảng Nam cũng có một loại cây thuốc vô cùng quý hiếm. Người Xê Đăng sống nơi rừng thẳm này gọi là cây thuốc dấu chữa bách bệnh.
Bí ẩn về cây thuốc dần được hé lộ. Những năm 60 thế kỳ trước, vì thương cán bộ cách mạng ốm đau, bị thương mà thiếu thuốc, già làng Xê Đăng đã dùng cây thuốc dấu để cứu chữa. Hàng nghìn cán bộ, bộ đội bị sốt rét rừng, bị bệnh nan y khi vào Nam chiến đấu nhờ đó đã khỏi bệnh.
Loại “thần dược” này được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào chiều 19/3/1973, sau rất nhiều năm tìm kiếm. Đó chính là cây sâm mà ông đặt tên là sâm K5, hay sâm Ngọc Linh.
"Vua sâm" Hồ Văn Du bên gốc sâm 10 năm tuổi trong khu vườn sâm giữa đại ngàn Ngọc Linh
Củ sâm Ngọc Linh 10 năm tuổi, nặng 0,2kg có giá gần 10 triệu đồng
Vườn sâm giống của người dân Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My
“Cách đây hơn 30 năm, cả vùng núi Ngọc Linh sâm mọc ken dày dưới tán rừng. Mỗi khi cần, chỉ ra sau vườn nhà là tìm được cây thuốc dấu. Còn bây giờ, đi xuyên rừng hàng tháng trời, tìm đỏ con mắt cũng không thấy. Mấy chục năm nay, cây thuốc bị săn lùng nên tuyệt diệt” - già làng Hồ Văn Reo, nóc Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, kể.
Khi cây sâm tự nhiên bị săn lùng ráo riết và gần như biến mất, chính quyền địa phương mới vào cuộc. Từ năm 1997, trại dược liệu sâm Ngọc Linh ra đời để ươm trồng, nhân giống bảo tồn loài sâm quý hiếm này.
Hôm lên đỉnh trời Trà Linh nằm lưng chừng đỉnh núi để tận mắt nhìn cây thuốc dấu của đồng bào Xê Đăng, tôi may mắn gặp ông Hồ Văn Du, nguyên là Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh - người được mệnh danh là “vua sâm” nơi đỉnh trời này từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Ông Du kể: “Hơn 35 năm ăn ngủ, với cây sâm, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi vì bệnh tật, sốt rét rừng tôi mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay... ”. Cơ ngơi như lời ông kể là vườn sâm Ngọc Linh bạt ngàn giữa rừng thẳm, với 126.000 gốc, trong đó có trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi.
“Cây sâm càng nhiều tuổi càng có giá trị. Nếu sâm 7 tuổi có giá khoảng 30 triệu đồng/kg thì sâm già giá có thể tăng gấp 2 đến 5 lần tùy theo năm tuổi”, ông bảo.
Giờ nơi đây là “vương quốc” của cây sâm Ngọc Linh. Dưới tán rừng nguyên sinh ẩm ướt, cơ man nào là sâm mọc ken dày. Ngoài vườn sâm 10 năm tuổi của “vua sâm” Hồ Văn Du có giá trị nhất là những vườn sâm từ 1 đến 7 tuổi bắt đầu được người dân ươm trồng dưới tán rừng nguyên sinh. Khoảng 5 năm, khi sâm đủ tuổi thì bà con ở Ngọc Linh thu tiền tỷ là điều bình thường.
Ông Du ước tính, lúc đó sâm ở độ tuổi từ 12 đến 15. Bình quân 20 gốc sâm cho 1 kg thì cả vườn sâm của ông cho khoảng 6,5 tấn sâm củ. Với mỗi kg sâm giá từ 40 đến 50 triệu đồng, ông Du sẽ cầm chắc trong tay 250 tỷ đồng.
“Như vậy, hơn 30 năm sống chết với sâm Ngọc Linh, tính bình quân mỗi năm cây sâm cho tui 8 tỷ đồng, một số tiền quá lớn giữa miền rừng này”, ông Du khẳng định.
Còn bây giờ, nơi thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh, ông Hồ Văn Du vẫn chân đất, ở nhà sàn gỗ, không phương tiện đắt tiền, ngày đêm ăn ngủ nơi rừng sâm - vốn là tâm huyết của cả đời vị “vua sâm” không ngai này.
Lão già làng cần mẫn với sâm ba kích
Bí thư huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam Briếu Liếc nói rằng, miền rừng Tây Giang nằm sát biên giới Việt Lào là nơi có nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, một thời gian dài đã bị khai thác cạn kiệt.
Một trong những sản vật ấy là cây sâm ba kích, đông y gọi là đẳng sâm. “Cách đây chừng 10 năm, cây sâm ba kích mọc dày đặc vùng rừng núi kéo dài dọc vùng biên giới này. Năm 2006, người dân khai thác sâm ào ạt. Chỉ thời gian ngắn sau, cây sâm gần như bị tận diệt” - ông Bríu Liếc kể.
Giá sâm ba kích liên tục tăng, từ 5.000 đồng/kg rẻ như khoai sắn vào những năm 2006 nay tăng lên hơn nửa triệu đồng mỗi ký vẫn không có mà bán. Lúc đó, bà con vùng cao mới giật mình tìm cách bảo vệ và ươm trồng.
Rừng sâm ba kích của “vua sâm” Bríu Pố (người bên trái) ở xã Lăng huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam.
“Vua sâm” Bríu Pố khai thác sâm ba kích trên vườn rừng
Củ sâm ba kích có giá nửa triệu đồng kg tươi nhưng không có để bán cho thương lái.
Lão già làng A Rớh, xã Lăng, Tây Giang Bhríu Pố là người đầu tiên đưa cây sâm ba kích về trồng trong vườn nhà và cần mẫn nhân giống. Nhờ bàn tay chăm sóc cần mẫn của ông, từ đó, sâm ba kích sinh sôi trở lại.
Sau hơn 8 năm, giờ thì già làng Bhríu Pố được mệnh danh là “vua sâm ba kích” của Quảng Nam, và là tỷ phú nơi miền biên ải này.
“Trồng sâm ba kích dể hơn trồng khoai lang. Mình cứ thế dâm cành rồi đem ra trồng trong rẫy. Cây phát triển tự nhiên, sau hơn 2 năm thu hoạch rồi đem trồng lại. Nếu để lâu củ sẽ to và có giá hơn”, vị già làng chia sẻ.
Chỉ tay ra ngọn đồi trước mặt, “vua sâm ba kích” nhẩm tính: “Cái đồi này trồng hơn 6.000 gốc ba kích, được hơn 2 năm nay. Hết tiền thì mình đào nó lên đem bán, chưa cần tiền thì cứ để đó tiếp tục trồng vườn sâm khác... ”. Bình quân 3 gốc 1 kg, nếu thu hoạch cả vườn được khoảng 2 tấn củ. Với giá 500.000 đồng/kg, già làng Bhríu Pố thu khoảng 1 tỷ đồng.
Không chỉ mình ông mà bà con các xã A Xan, Lăng, Tr’Hy... của huyện Tây Giang cũng trồng sâm ba kích. Nhà ít thì 1 rẫy, nhà nhiều 4 đến 5 rẫy. Cây ba kích trồng chung với sắn trên rẫy, trong rừng.
Bây giờ, lão già làng tỷ phú Bríu Pố không chỉ trồng sâm mà quay sang gây giống ngay tại vườn nhà. Lão không nhớ nổi đã ươm được bao nhiêu chục nghìn cây, mà cứ ươm được cây nào là bà con đến giành mua hết với giá mỗi cây 7.000 đồng, còn lão đem đi trồng.
“Bây giờ, không còn phải lo cái đói như cách đây 20 năm. Bà con chỉ nghĩ cách làm giàu. Nếu giá sâm ba kích giữ được giá 400.000-500.000 đồng/kg thì số gia đình thu tiền tỷ từ sâm ba kích không thể đếm hết”- Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Bríu Hùng quả quyết.
Theo Vũ Trung
Vietnamnet