Rùng rợn phong tục mai táng cho kền kền rỉa xác
(Dân trí) - Phong tục cổ xưa vẫn tồn tại ở một số khu vực thuộc Tây Tạng, Trung Quốc, cho tới ngày nay, nhưng lại là nỗi ám ảnh với khách du lịch.
Thủ tục mai táng ở hầu hết các nền văn hóa thường là thổ táng, hỏa táng. Hiếm gặp hơn thì có thủy táng.
Nhưng một số vùng thuộc Tây Tạng, Nội Mông, Thanh Hải (Trung Quốc) ngày nay vẫn còn tồn tại phong tục rợn người - điểu táng hay thiên táng, có nghĩa là để đàn kền kền đói ăn tới xẻ thịt giúp linh hồn người quá cố lên trời.
Với nhiều người, có lẽ đây là tục lệ mai táng rùng rợn nhất thế giới. Tuy nhiên, người Tây Tạng lại cho rằng đó là quy luật tự nhiên. Họ coi chim kền kền là “điển thần” (chim thần). Bởi vậy, khi để loài chim này rỉa xác, người chết sẽ sớm lên thiên đàng, chờ đợi tái sinh vào kiếp sau.
Khu vực thực hiện nghi thức điểu táng nằm tại thung lũng Larung, Tây Tạng, nơi nằm ở độ cao 4000m so với mực nước biển. Khi đó, các rogyapas (người xử lý xác chết) sẽ đốt cây bách tùng để thu hút đàn kền kền.
Thi thể người chết được quấn trong vải và mang tới khu nghi lễ. Mọi nghi thức linh thiêng của điểu táng đều được thân nhân trong gia đình người đã khuất chứng kiến từ đầu tới cuối.
Các nghi thức chấm dứt cũng là lúc bầy kền kền đói xông vào rỉa xác. Quan niệm của người Tây Tạng cho rằng, Phật giáo từ bi, đồng nghĩa với việc có lòng tốt với tất cả loài vật. Khi con người chết đi chỉ còn cái xác vô hồn. Nên họ muốn làm điều gì đó ý nghĩa, tình nguyện làm thức ăn cho động vật. Và động vật được chọn là kền kền - loài chim linh thiêng của người Tây Tạng.
Trong nhiều năm gần đây, người dân địa phương phản đối các chuyến thăm của du khách tới khu vực điểu táng. Còn đối với khách du lịch, việc chứng kiến những nghi thức kỳ lạ này có lẽ là nỗi ám ảnh không thể quên.
Quốc Việt
Theo RT/DM