Ra mắt đồ chơi hộp mù lấy cảm hứng từ bảo vật triều Nguyễn ở Cố đô Huế

Vi Thảo

(Dân trí) - Đế đô khảo cổ ký là dự án đồ chơi sưu tầm độc đáo, lấy cảm hứng từ các bảo vật nổi tiếng của triều Nguyễn ở Cố đô Huế.

Sáng 18/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các đối tác chính thức ra mắt dự án phát triển sản phẩm dịch vụ văn hóa mang tên Đế đô khảo cố ký.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Đế đô khảo cổ ký là một dự án đồ chơi sưu tầm độc đáo, kết hợp giữa di sản văn hóa Cố đô Huế và xu hướng đồ chơi hộp mù, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới trẻ.

Ra mắt đồ chơi hộp mù lấy cảm hứng từ bảo vật triều Nguyễn ở Cố đô Huế - 1
Mô hình đồ chơi được làm dựa trên bảo vật ngai vàng triều Nguyễn tại Đại nội Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Bộ sản phẩm này lấy cảm hứng từ 4 bảo vật nổi tiếng của triều Nguyễn, bao gồm: Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Khẩu hạ trong Cửu vị thần công, Cao đỉnh trong bộ Cửu đỉnh và ngai vàng triều Nguyễn.

Dự án được khởi xướng bởi nhóm các bạn trẻ đam mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử dân tộc, với mong muốn tạo ra bộ sản phẩm quà lưu niệm gần gũi với thế hệ gen Z.

Ông Nguyễn Huy, đồng sáng lập Công ty Phygital Labs, cho biết Đế đô khảo cổ ký là sản phẩm kết hợp giữa công nghệ hiện đại và hộp mù. Sản phẩm này tích hợp con chíp NFC thế hệ mới, chứa nội dung liên quan đến bảo vật triều Nguyễn.

Khi người dùng đưa điện thoại thông minh đến gần, các nội dung số độc quyền như thông tin chi tiết về bảo vật, video tương tác và câu chuyện lịch sử sẽ hiện ra. Đây là cách tiếp cận sáng tạo để giáo dục lịch sử, khơi gợi niềm tự hào và tình yêu văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Theo ông Huy, dự án Đế đô khảo cố ký cũng mở ra cách tiếp cận mới trong việc kết hợp công nghệ và di sản văn hóa, hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế số, tạo thu nhập cho xã hội.

Ra mắt đồ chơi hộp mù lấy cảm hứng từ bảo vật triều Nguyễn ở Cố đô Huế - 2
Các sản phẩm được gói kỹ trong túi nhựa và bỏ vào hộp giấy được gọi là hộp mù (Ảnh: Vi Thảo).

Nhà sáng tạo nội dung Giao Cùn (Ngô Thị Quỳnh Giao) đánh giá sản phẩm có tiềm năng lớn để thành công, nếu có chiến lược tốt có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển, đồng thời giúp giới trẻ tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa lịch sử dân tộc.

Chị Quỳnh Giao cho biết, Cố đô Huế có nhiều di sản văn hóa nổi tiếng nhưng hầu hết được trưng bày trong các lăng tẩm, Hoàng thành, bảo tàng, trong các tủ kính. Không phải ai cũng có điều kiện để đến Huế tham quan, chiêm ngưỡng toàn bộ các bảo vật, di sản đó.

Với các sản phẩm đồ chơi Đế đô khảo cố ký nhỏ nhắn, giá thành hợp lý, chứa đựng nhiều thông tin hữu ích sẽ giúp giới trẻ thỏa mãn đam mê sưu tầm, khám phá lịch sử dân tộc.

Ra mắt đồ chơi hộp mù lấy cảm hứng từ bảo vật triều Nguyễn ở Cố đô Huế - 3
Sự kiện ra mắt dự án Đế đô khảo ký được tổ chức tại khuôn viên Phủ Nội vụ, bên trong Hoàng thành Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, tin tưởng rằng với sự sáng tạo của giới trẻ, cùng sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước về di sản và xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, cũng như hạ tầng công nghệ thông tin Việt Nam ngày càng phát triển, dự án sẽ thành công.