Quốc gia hiếm hoi nào trên thế giới không có bất cứ sông, hồ nào chảy qua?
(Dân trí) - Đây là nước có thời tiết khắc nghiệt, mùa hè vượt quá 50 độ C, nhưng đổi lại sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó nhiều nhất là trữ lượng dầu mỏ.
Nghe có vẻ lạ, nhưng thực tế có những quốc gia trên thế giới không tồn tại bất cứ dòng sông, hồ nước nào chảy qua.
Hầu hết đó là các quốc gia sa mạc, nơi có lượng mưa và nguồn nước ít ỏi, không đủ lưu lượng nước để tạo ra con sông thực sự nào. Một trong số đó phải kể tới Saudi Arabia, quốc gia nằm ở Tây Á, chiếm phần lớn bán đảo Ả Rập.
Với diện tích hơn 2,1 triệu km2 nhưng 95% diện tích lãnh thổ của Saudi Arabia lại là sa mạc. Đây là quốc gia rộng lớn thứ nhì trong thế giới Ả Rập, chỉ đứng sau Algeria.
Theo World Atlas, phần lớn địa hình Saudi Arabia là hoang mạc và sa mạc không có người ở, bao gồm cả sa mạc Rub 'Al Khali - nơi có lượng cát lớn nhất thế giới và sa mạc An Nafud - nơi có những cồn cát cao tới hơn 30m. Phía tây và tây nam quốc gia này có nhiều đồi núi, nổi tiếng nhất là hai dãy Hejaz và Azir.
Thời tiết ở quốc gia Tây Á này rất khắc nghiệt, với mùa hè có thể vượt ngưỡng 50 độ C. Nhưng đổi lại, nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây rất phong phú, nhiều nhất là trữ lượng dầu mỏ thuộc top đầu thế giới. Nhờ tài nguyên này đã mang lại nền kinh tế phát triển vượt bậc cho Saudi Arabia.
Không có sông, hồ hoặc các khu vực có thảm thực vật thiên nhiên phong phú vì lượng mưa rất ít, qua nhiều thế kỷ, thông qua các ốc đảo và sau này là những nhà máy khử muối hoặc hồ chứa dưới lòng đất, người dân đã tìm thấy tạm đủ nước cung cấp cho cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, chi phí rất đắt đỏ.
Nằm trên mỏ dầu với trữ lượng hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã trả chi phí khổng lồ cho việc bơm nước lên bề mặt phục vụ nông nghiệp và chăn nuôi. Doanh thu từ dầu mỏ vẫn tiếp tục tăng nhưng nguồn cung cấp nước bị giảm nhanh chóng. Hiện nước này đang hướng khối tài sản khổng lồ của mình sang việc mua đất và trồng trọt ở những quốc gia khác có điều kiện thổ nhưỡng tốt hơn.
Không chỉ có dầu mỏ và sa mạc, Saudi Arabia đang đưa ra mục tiêu đón 70 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022. Hãng Reuters đưa tin, quốc gia Hồi giáo này đang tăng cường chiến dịch phát triển ngành du lịch của đất nước.
Trước đó, đây vốn là điểm đến phổ biến của các tín đồ Hồi giáo khi mỗi năm thu hút hàng triệu người tới thăm 2 thành phố linh thiêng gồm thánh địa Mecca và Medina. Những năm gần đây, nước này bắt đầu thúc đẩy ngành du lịch giải trí như một phần của chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ.