Đảo rắn độc - "Địa ngục khét tiếng" của các tù nhân nguy hiểm

Huy Hoàng Đặng Ngọc Anh

(Dân trí) - Trên đảo vắng là nơi sinh sống của nhiều loài rắn cực độc từng được dựng làm nhà tù giam giữ những tù nhân nguy hiểm.

Xa xôi và biệt lập, là nơi sinh sống của nhiều loài rắn cực độc, đó là những gì người ta nghĩ về Gorgona, hòn đảo nhỏ thuộc Colombia.

Hòn đảo vốn là khối đá núi lửa nhỏ vươn lên trên Thái Bình Dương, nằm cách bờ biển Colombia chừng 34km.

Một bên bị rừng rậm bao phủ, xung quanh lại là vùng biển cá mập, đảo Gorgona còn là nơi trú ẩn của vô số loài động vật chết chóc. Với những nhà thám hiểm thời xưa, nơi này thực sự là cơn ác mộng.

Đảo rắn - Nơi từng là "địa ngục trần gian" của các tù nhân nguy hiểm

Vào những năm 1500, những nhà thám hiểm đầu tiên đã tuyên bố chủ quyền đảo Gorgona cho Tây Ban Nha. Nhưng họ đã phải trả một cái giá quá đắt. Hơn một nửa số thủy thủ đoàn không thể khuất phục trước loài bò sát chết người ẩn náu trong rừng rậm - rắn độc.

Đảo rắn độc - Địa ngục khét tiếng của các tù nhân nguy hiểm - 1
Hòn đảo là nơi cư trú của 18 loài rắn, trong đó có những loài cực độc (Ảnh cắt từ clip).

Ban đầu, đảo được đặt tên San Felipe. Sau này, nó được đổi tên theo Gorgons - những sinh vật trong thần thoại Hy Lạp có mái tóc bằng rắn do số lượng loài bò sát này tăng trưởng mãnh liệt vào thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha. Kể từ đó, nơi này tạo nên lịch sử dữ dội và đen tối của hòn đảo.

Năm 1959, Colombia ban hành quy định các cá nhân sở hữu những hòn đảo trong nước là hành vi bất hợp pháp. Một nhà tù an ninh được xây dựng trên đảo, là nơi giam giữ các tù nhân nguy hiểm. Đó là phiên bản nhà tù Alcatraz của nước này. Kể từ đó, Gorgona chuyên đón nhận những tội phạm khét tiếng nhất Colombia. Những cái chết phía sau bức tường nhà tù đã trở thành chuyện thường xuyên như cơm bữa.

Đảo rắn độc - Địa ngục khét tiếng của các tù nhân nguy hiểm - 2
Thảm thực vật xâm chiếm tàn tích nhà tù cũ (Ảnh: Atlasobscura).

Trong vòng 25 năm, đây là "địa ngục sống" của 2.500 tù nhân chịu án. Những bức tường dày bê tông của nhà tù chưa đủ để ngăn tù nhân vượt ngục, thì hàng rào rừng rậm bên ngoài thực sự là "lá chắn" tử thần.

Các chuyên gia ước tính, khoảng 18 loài rắn sống trên đảo, từ rắn sipo mảnh dẻ nhưng nhanh nhẹn cho tới loài trăn siết mồi to lớn và mạnh mẽ. Trong số này có rất nhiều loài cực độc với nọc gây chết người.

Theo tài liệu để lại, khi lên đảo, danh tính tù nhân bị tước bỏ. Họ được gọi bằng số hiệu với điều kiện sống không khác gì địa ngục. Họ gần như không thể trốn thoát bởi xung quanh vừa là vùng biển cá mập, vừa là rừng rậm đầy rắn. Trong thời gian nhà tù còn hoạt động, 25 vụ vượt ngục xảy ra, nhưng chỉ 3 vụ thành công.

Đảo rắn độc - Địa ngục khét tiếng của các tù nhân nguy hiểm - 3
Nơi giam giữ các tù nhân nguy hiểm một thời (Ảnh: News).

Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, nhà tù trên đảo đóng cửa vào năm 1984. Đây là thời điểm những tù nhân cuối cùng rời đảo. 30 năm sau, những cư dân tự nhiên của hòn đảo lại "chiếm giữ" không gian cho riêng mình. Đó là đàn dơi treo mình như bóng đèn từng thắp sáng hành lang nhà tù, ong xây tổ, chuột hoành hành tự do ngang dọc cho tới loài khỉ mũ trắng Trung Mỹ.

Vào thời kỳ hoàng kim, con người phải đứng sau song sắt, còn động vật hoang dã được tự do đi lại. Những bức tường uy nghiêm ngày nào giờ trở thành "sân chơi" cho đàn khỉ.

Đến nay, toàn bộ đảo và vùng biển xung quanh trở thành công viên quốc gia. Giữa đống đổ nát của nhà tù cũ, nhiều động vật quý hiếm đang sinh sống và được bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có cả cự đà Helmeted, ếch độc cẩm thạch - loài bị đe dọa vì mất môi trường sống.

Đảo rắn độc - Địa ngục khét tiếng của các tù nhân nguy hiểm - 4
Đến nay, đây là nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm (Ảnh: Atlasobscura).

Ngoài ra, hòn đảo còn nổi tiếng với hệ sinh thái biển đa dạng, gồm cá mập voi, cá mập đầu búa, cá chình Moray... Từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, du khách từ khắp nơi có thể tới ngắm cá voi lưng gù đẻ con.

Hiện trên đảo còn một đồn hải quân nhằm đảm bảo du khách không gây tác động xấu tới hệ sinh thái và bảo vệ tính mạng cho chính họ. Khách tham quan phải tuân thủ đúng giờ giới nghiêm, được yêu cầu đi giày cao su bảo vệ hệ sinh thái đảo. Đây cũng là cách hạn chế việc họ có thể bị các sinh vật trên đảo tấn công.

Lối vào nhà tù "khét tiếng" một thời không còn cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tờ The Guardian tiết lộ, nguyên nhân nhà tù bị đóng cửa là do sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền, cũng như các nhà khoa học muốn bảo vệ hệ sinh thái trên đảo.