Phượt thủ Việt chỉ cách giao tiếp ở xứ người khi tiếng Anh “vô dụng”

(Dân trí) - Những người theo chủ nghĩa xê dịch ai cũng biết, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sử dụng ngôn ngữ này. Chính điều ấy đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều du khách khi ra nước ngoài.

Nếu là người đam mê du lịch, chắc hẳn ai cũng đã nghe đến tên chàng phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987, ở Gò Công Tây, Tiền Giang). Tính đến thời điểm hiện tại, chàng trai này đã có trên dưới 8 năm gắn bó với chiếc xe Wave, một mình chạy xe xuyên Việt 3 lần và đang trong hành trình đi vòng quanh Thế giới bằng xe máy.

Người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường của Trần Đặng Đăng Khoa là chiếc xe Wave.
Người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường của Trần Đặng Đăng Khoa là chiếc xe Wave.

Mới đây, từ chính những trải nghiệm bản thân đúc kết được, Trần Đặng Đăng Khoa đã chia sẻ về cách giao tiếp, ứng xử để “sống sót” ở những nước không sử dụng tiếng Anh. Lời chia sẻ này chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng.

Những kiến thức nghe qua có vẻ đơn giản như học đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng bản địa, học cách viết mail, tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể,…. tưởng không mấy hữu ích nhưng lại vô cùng quan trọng. Thậm chí, đôi khi chúng mang yếu tố sống còn, giúp du khách giải quyết những sự cố gặp phải trên đường đi.

Đăng Khoa quan niệm, một khi đã muốn đặt chân ra nước ngoài, việc “dắt lưng” một vốn tiếng Anh vừa đủ, sử dụng đúng và rõ ràng là điều cần thiết. Chẳng hạn, khi xin VISA hoặc muốn nhờ Đại sứ quán giúp đỡ, một email rõ ràng, đầy đủ và thể hiện sự nhiệt tình, chân thành sẽ luôn được để ý và nhận được giúp đỡ tốt hơn một cái mail lộn xộn không rõ đầu đuôi.

Ở mỗi điểm đến, anh đều chia sẻ hình ảnh và những câu chuyện vô cùng hấp dẫn.
Ở mỗi điểm đến, anh đều chia sẻ hình ảnh và những câu chuyện vô cùng hấp dẫn.

“Ngay từ khâu chuẩn bị mình đã gặp rất nhiều khó khăn, mình phải tự thân tìm hiểu thông tin về giấy tờ, giấy phép nhập cảnh hay như khi gặp sự cố dọc dường. Nhờ viết lách đàng hoàng và rõ ràng nên lần lượt đều giải quyết suôn sẻ”, chàng phượt thủ nổi tiếng chia sẻ.

Tuy nhiên, khi đến các nước tiếng Anh không thông dụng, bạn chỉ cần “chữa cháy” và trang bị cho mình bằng cách học trước một số từ như : xin chào, cảm ơn, xin lỗi, có, không, bao nhiêu,… là đủ. Người bản địa sẽ rất thích thú và có thiện cảm nếu bạn có thể chào hỏi bằng ngôn ngữ địa phương. “Nếu có thể, việc học đếm từ 1 đến 10 cũng đem lại hiệu quả không ngờ”, Khoa nói thêm.

Khoa đang trong chuyến hành trình đi vòng quanh Thế giới.
Khoa đang trong chuyến hành trình đi vòng quanh Thế giới.

Nhờ sự tinh ý, chàng phượt thủ cũng nhận ra ở vài nước lân cận, có một số từ có phát âm giống nhau. Chẳng hạn tất cả các nước Azerbaijan, Iran, Pakistan đều phát âm chữ “xăng” là “ben-zin”. Nên lần sau, cứ “benzin” là họ biết mình hỏi cây xăng mà không cần mất công nghĩ cách giải thích. Bên cạnh đó, các nước Hồi giáo cũng hay dùng chữ “Assalam” hay “Salam” để chào nhau.

Một “mẹo” nữa cũng hiệu quả không kém, đó là ngôn ngữ cơ thể. Nếu cần tìm chỗ ngủ, bạn chỉ cần khép tay kề vào đầu, nhẹ chớp mắt là ai cũng hiểu. Hoặc nếu muốn tìm nhà hàng để “lấp đầy dạ dày”, bạn hãy chỉ tay vào miệng, đồng thời há mồm là ngay lập tức sẽ được giúp đỡ. Tuy nhiên, cũng lưu ý vấn đề khác biệt về cử chỉ. Chẳng hạn như ở Bulgaria thì gật đầu nghĩa là “không”, còn lắc đầu lại được hiểu là “có”.

Nếu muốn ra nước ngoài với một tâm thế tự tin, hãy dành thời gian tìm kiếm các từ, cụm từ, câu thông dụng bằng ngôn ngữ của nước sắp đến, sau đó lưu vào điện thoại hoặc in ra giấy nếu phát âm không chuẩn. Cách này cũng nên áp dụng khi bạn muốn tìm đường hay địa điểm cụ thể.

Ngoài ra, đừng quên cài sẵn ứng dụng từ điển cho điện thoại. Một số ứng dụng có thể đọc thành tiếng để người dân bản địa nghe luôn cũng rất tiện lợi.

Anh đã đặt chân đến cả 64 tỉnh thành Việt Nam.
Anh đã đặt chân đến cả 64 tỉnh thành Việt Nam.

Sau vài tháng rong ruổi trên khắp các nẻo đường của nhiều quốc gia, Khoa nhận ra rằng, quan trọng nhất khi giao tiếp là sự tự tin. "Sau vài lần dở khóc dở cười và tìm cách giao tiếp thì tức khắc phản xạ tự nhiên tăng lên và các chuyến sau không còn ngại nữa. Đi du lịch và giao tiếp với người địa phương, cố gắng phá bỏ rào cản ngôn ngữ để hiểu nhau là một bài học thực tế giúp mình tự tin hơn trong cuộc sống rất nhiều", anh chia sẻ.

Hoàng Ngọc

Ảnh: NVCC